Càng khó khăn, chúng ta càng phải phát huy tối đa nội lực

TS Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng, nhưng đây là kết quả của nỗ lực phát huy nội lực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới tiếp tục bủa vây.

anh tin bai

Khu vực công nghiệp xây dựng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm. Ảnh: Nguyễn Hoàng Dưỡng

PHÓNG VIÊN: Thưa bà, bà có nhận định gì từ bức tranh nền kinh tế thể hiện qua số liệu thống kê 6 tháng đầu năm nay?

TS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG: Là nền kinh tế mở, chúng ta đã chịu tác động lớn từ những biến động phức tạp, khó lường của việc suy giảm kinh tế của thế giới. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng tối đan xen với một số kết quả: kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 5 và 6 đang dần cải thiện, phần lớn doanh nghiệp (DN) đã ổn định sản xuất.

GDP trong quý II đạt 4,14%, cao hơn 0,86% so với mức tăng 3,28% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 3,72%, tuy chưa như kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ và là kết quả của việc nỗ lực phát huy nội lực trong nước. Nội lực này thể hiện rõ ở cả 3 khu vực kinh tế, gồm nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực và ổn định với mức tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực này hiện đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực, đồng thời các sản phẩm nông nghiệp là nguồn hàng cho xuất khẩu.

Khu vực công nghiệp xây dựng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I và đạt mức tăng trưởng 1,56% (quý I giảm 0,75%). Ngành xây dựng cũng tăng trưởng cao với mức tăng 7,05%, cao hơn mức tăng 4,94% của cùng kỳ năm trước, do quyết liệt thực hiện giải pháp đẩy nhanh đầu tư công. Đầu tư công tăng khoảng 22%, trong đó đầu tư của khu vực nhà nước tăng 12,6%.

Khu vực dịch vụ là điểm sáng nhất với mức tăng trưởng 6,11%, giúp chúng ta vừa kết nối thế giới, vừa trụ vững với các ngành, tăng cường khả năng tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu các dịch vụ trực tiếp tại địa phương. Kết quả này thể hiện hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh. Du lịch phát triển kéo theo sự tăng trưởng mạnh trong các nhóm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ và nghệ thuật vui chơi giải trí…

PHÓNG VIÊN: Điểm rất đáng chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm, tốc độ giải ngân vốn cho các dự án vẫn chậm, được xem là các nguyên nhân kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế của 6 tháng đầu năm. Bà bình luận thế nào về việc này?

anh tin bai

 

TS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ. Về đầu tư công, 6 tháng đầu năm mới thực hiện đạt 33% kế hoạch vốn giao cho cả năm 2023, vẫn còn khối lượng rất lớn (62-67% kế hoạch vốn) cần thực hiện để đạt được mục tiêu tại Chỉ thị 08 đề ra là thực hiện giải ngân 95-100% kế hoạch vốn năm 2023.

Tuy nhiên, thực trạng sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu không chỉ riêng Việt Nam, bởi trong 16 nền kinh tế lớn trên thế giới có đến 13 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu, 12 quốc gia (chiếm 75%) có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4. Do vậy, xét về tổng thể, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là thị trường có thương mại 2 chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa nền kinh tế, sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với những nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong những tháng cuối năm, tác động tới các DN sản xuất phục vụ xuất khẩu, thực trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, xung đột địa chính trị…, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.

Về đầu tư công, dù số vốn thực hiện trong 6 tháng mới đạt khoảng 1/3 kế hoạch cả năm, nhưng với việc giải ngân hơn 232.200 tỷ đồng là con số rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm.

Nguồn: dttc.sggp.org.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập