Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024

Năm 2024, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 18 Đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Bước vào năm 2024, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có những thuận lợi nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó, diễn biến chính trị, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na kéo dài, cùng với tác động lan tỏa từ cuộc chiến Israel - Hamas ở Dải Gaza; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại; lạm phát toàn cầu tăng cao, cùng chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng,… đã tác động mạnh, trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu, trong đó có nước ta. Đối với tỉnh Lào Cai, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào chính sách biên mậu của Trung Quốc; giá nguyên vật liệu đầu vào còn diễn biến thất thường chưa ổn định, nhất là giá xăng, dầu; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa cao; thiên tai, cháy rừng, thời tiết diễn biến phức tạp, dông lốc, nắng nóng cực đoan, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của Nhân dân,…

Trước tình hình đó, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách và giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt an sinh xã hội. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm; trong đó, đã ban hành Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 19/01/2024 với 12 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong quí III và Chín tháng năm 2024 cơ bản được duy trì: Sản xuất nông nghiệp được triển khai kịp thời, đảm bảo khung thời vụ; công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được tăng cường thực hiện; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm được quan tâm, đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được đặc biệt chú trọng; chương trình xây dựng nông thôn mới được Nhân dân hưởng ứng tích cực; sản xuất công nghiệp tuy gặp những khó khăn nhất định nhưng tiếp tục được duy trì; hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu của hành khách và hàng hóa của Nhân dân; hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển tốt, không có biến động lớn về giá trước và sau Tết Nguyên đán; các lĩnh vực văn hóa, thông tin được thực hiện tốt; công tác an sinh xã hội được quan tâm; công tác y tế đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh cho người dân; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính quý III/2024 tăng 7,53%; dự ước 9 tháng năm 2024 tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2023 (xếp thứ 7/14 tỉnh TDMNPB và xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cao hơn mức tăng 5,68% của quý III/2023 so với cùng kỳ năm 2023.

Trong mức tăng chung 7,71% của 9 tháng năm 2024; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,48%, đóng góp 3,66 điểm phần trăm, trong đó: Công nghiệp tăng 11,30%, đóng góp 3,01 điểm phần trăm; xây dựng tăng 7,82%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,85%, đóng góp 3,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,79%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm vào mức tăng chung, cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1.1. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

Quý III và 9 tháng năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, trong khi giá bán sản phẩm thấp và không ổn định, đặc biệt do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) đã ảnh hưởng thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp,... vì vậy kết quả tăng trưởng quý III đạt tăng trưởng âm (-1,13%) so với cùng kỳ; ước tính 9 tháng đạt mức tăng 2,37% so với cùng kỳ; trong đó: Nông nghiệp tăng 2,02%, lâm nghiệp tăng 2,77%, thuỷ sản tăng 7,30%.

1.2. Khu vực công nghiệp và xây dựng

a) Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp quý III và 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ có mức tăng khá ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong sản xuất còn gặp những khó khăn nhất định như: Thiếu nguyên liệu đầu vào; giá cả tăng trong khi giá bán các sản phẩm giảm; thị trường xuất khẩu không ổn định; công tác thực hiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc; thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra đầu tháng 9 năm 2024, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghiệp cũng như đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh, (Ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm ngập úng, sạt lở nghiêm trọng vùi lấp một số Khai trường khai thác mỏ; đặc biệt là 26 nhà máy thủy điện bị ngập hư hỏng các hạng mục công trình, phải dừng phát điện, với tổng công suất 292,65MW; dự kiến có 5 nhà máy thủy điện gồm: Bắc Nà 1, Bắc Nà, Bảo Nhai bậc 2, Cốc Đàm, Nậm Lúc bị hư hỏng nặng, phải dừng phát điện từ 3 đến 6 tháng để khắc phục sửa chữa),...

Tuy nhiên, với sự lỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được ban hành và phát huy hiệu quả nên sản xuất công nghiệp cơ bản được duy trì và có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trong Quý III tăng 14,98% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2024 tăng 11,30% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất với mức tăng 16,23% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,74 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,31%, đóng góp 0,89 điểm phần tră; Ngành công nghiệp khai khoáng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất, không đủ khoảng cách an toàn nổ mìn, không đủ diện tích đổ thải, hạn chế về công nghệ sản xuất vì vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất,... tuy nhiên 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng 6,30% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

b) Hoạt động xây dựng

Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong quý III đạt 4,81% so với cùng kỳ năm trước; dự tính 9 tháng năm 2024 tăng 7,82% đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tăng chủ yếu ở hoạt động xây dựng nhà các loại vơi mức tăng 36,95%, trong khi hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng chỉ tăng 4,76% so với cùng kỳ năm 2023.

1.3. Khu vực dịch vụ

Chín tháng năm 2024, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động; nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, đặc biệt là hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động kinh doanh vận tải; cửa khẩu quốc tế Lào Cai thông quan ổn định, mở ra cơ hội thuật lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp,... Tuy nhiên, trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) một số cơ sở kinh doanh bị ngập lụt, lượng khách tham quan, du lịch giảm kéo theo hàng hóa tiêu thụ ít, các hoạt động dịch vụ khác giảm; hoạt động vận tải bị ngưng trệ, một số tuyến đường bị cô lập,... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ Quý III đạt mức 7,11% so với cùng kỳ; dự tính 9 tháng tăng 7,85%, đóng góp 3,25 điểm điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 8,86%, đóng góp 2,48 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của một số ngành chính như sau: Ngành thương mại tăng 9,79%; vận tải tăng 9,20%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 16,13%; hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 6,35%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 7,27%; hoạt động dịch vụ khác tăng 16,25%,…

1.4. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

Do tình hình sản xuất trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu chưa ổn định và ảnh hưởng chính sách biên mậu nên thuế sản phẩm (thuế VAT và thuế XNK) đạt ở mức trung bình, 9 tháng năm tăng 4,79% so với cùng kỳ và đóng góp 0,47 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

2. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

2.1. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến thời điểm 18/9/2024 đạt 6.941.437; ước thực hiện đến 30/9/2024 đạt 7.368 tỷ đồng, bằng 80,3% dự toán Trung ương giao, bằng 57,6% dự toán tỉnh giao và tăng 44,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 6.468 tỷ đồng, bằng 79,6% dự toán Trung ương giao, bằng 61,6% dự toán tỉnh giao và tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thu từ thuế, phí và thu khác ước đạt 4.773 tỷ đồng, tăng 19,3 so với cùng kỳ năm trước; thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.695 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 900 tỷ đồng, bằng 85,7% dự Trung ương giao, bằng 39,1% dự toán tỉnh giao và tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế đến hết tháng 9/2024 ước đạt 14.723 tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán Trung ương giao, bằng 87,6% dự toán tỉnh giao và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

2.2. Ngân hàng

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt nam và thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động và cho vay hỗ trợ khách hàng, các mức lãi suất trên địa bàn tỉnh Lào Cai cụ thể như sau:

Công tác huy động vốn: Tổng nguồn vốn tín dụng đến 30/9/2024 ước đạt 49.200 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm 2023, cân đối được 82% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.

Hoạt động cho vay: Doanh số cho vay Quý III/2024 ước đạt 27.400 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh số thu nợ ước đạt 26.130 tỷ đồng, tăng 9,4%. Luỹ kế 9 tháng năm 2024 doanh số cho vay ước đạt 80.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; doanh số thu nợ ước đạt 76.915 tỷ đồng, tăng 13,2%. Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2024 ước đạt 60.600 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2023.

Chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được đảm bảo ở mức dưới 1%.

3. Chỉ số giá

Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh giảm theo Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐND ngày 22 tháng 8 năm 2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai, cùng với giá xăng, dầu giảm theo các đợt điều chỉnh của Bộ Công Thương là các nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2024 giảm 0,32% so với tháng trước. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng mưa lũ của cơn bão số 3 (Yagi), giá các thực phẩm (thịt gia súc, thủy sản tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn và các loại rau củ quả) tăng, giá điện sinh hoạt tăng là các yếu tố hạn chế tốc độ giảm của CPI trong tháng.

3.1. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín giảm 0,32% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Chín, có 03 nhóm tăng giá, 04 nhóm giảm giá và 04 nhóm giữ giá ổn định so với tháng trước.

Nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (CPI=100).

Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,03%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.

Nhóm có chỉ số giảm: Nhóm nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,1%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,08%; nhóm giao thông giảm 1,63%; nhóm giáo dục giảm 8,91%;

CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 1,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Các yếu tố chính làm tăng CPI trong 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: (1) Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,28%; (2) Giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,45%, do giá các mặt hàng đồ trang sức và dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng và ảnh hưởng của giá vàng cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân; (3) Giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,09%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,20%, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,01%, do chi phí đầu vào tăng, nhà sản xuất cũng như các cơ sở tăng giá bán, đồng thời nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng làm giá các mặt hàng thuộc các nhóm trên tăng; (4) Nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 1,78%, do giá các mặt hàng xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào cũng như nhu cầu thị trường tăng; (5) Giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,36%, do phí truyền hình, internet và các mặt hàng hoa, cây cảnh, dịch vụ du lịch tăng; (6) Giá nhóm giao thông tăng 0,67%, do các đợt điều chỉnh giá của Bộ Công Thương dưới sự ảnh hưởng của thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có các yếu tố góp phần làm giảm CPI trong 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước như: (1) Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 8,81%, do các cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí theo Nghị quyết mới của Hội đồng Nhân dân tỉnh; (2) Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,20%, do giá các điện thoại thế hệ cũ giảm; (3) Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,17%, do các cơ sở giảm giá theo các chương trình khuyến mại để kích cầu người tiêu dùng.

3.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng bình quân tháng Chín là 7.760.361 đồng/chỉ, tăng 2,04% so với tháng trước và tăng 37,30% so với cùng kỳ năm 2023, do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới. Giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.634 VND/USD, giảm 2,70% so với tháng trước và tăng 2,17% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2024 tăng 2,10% so với quý trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,90%. Trong đó: Nhóm sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan so với quý trước tăng 2,35% và tăng 10,93% so với cùng kỳ năm trước; nhóm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,64% và giảm 5%; nhóm sản phẩm thủy sản nuôi trồng bằng 99,70% và tăng 0,33%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tăng 6,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 8,21%; sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan giảm 5,41%; sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng giảm 1,04%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý III/2024 giảm 2,81% so với quý trước và tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 3,74%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,94%; điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 25,07%; nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,99%. Tính chung 9 tháng năm 2024, giảm 3,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 6,95%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,01%; điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 35,74%; nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,33%.

4. Đầu tư và xây dựng

4.1. Đầu tư phát triển

Chín tháng năm 2024, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các đơn vị, chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đảm bảo tỷ lệ giải ngân của năm đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, do đó công tác giải ngân của tỉnh đạt một số kết quả nhất định; đến nay Lào Cai là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân cao so với vùng và cả nước.

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành dự ước quý III/2024 đạt 8.397,99 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,64%; trong đó, vốn khu vực nhà nước ước đạt 2.835,94 tỷ đồng, tăng 55,85%; vốn khu vực ngoài nhà nước ước đạt 5.557,59 tỷ đồng, giảm 4,44%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.377,71 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,29%. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước đạt 6.905,02 tỷ đồng, chiếm 30,86% tổng vốn và tăng 31,93% so với cùng kỳ; khu vực ngoài Nhà nước đạt 15.449,03 tỷ đồng, chiếm 69,04% và tăng 1,52%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 23,66 tỷ đồng, chiếm 0,11% và bằng 97,57% cùng kỳ năm trước.

Để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư, tỉnh Lào Cai đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp với quan điểm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2024, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Về tình hình thu hút, đầu tư: Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, đầu tư về mọi mặt để thu hút các dự án FDI, mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện nhiều, nhưng do khoảng cách từ tỉnh Lào Cai đến hệ thống cảng biển của thành phố Hải Phòng, đến các trung tâm kinh tế như thành phố Hà Nội khá xa, nên chi phí vận chuyển từ Lào Cai tương đối lớn, vì vậy làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút FDI của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Lào Cai có 28 dự án[1] FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 730,378 triệu USD; các dự án chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch.

4.2. Hoạt động xây dựng

Hoạt động xây dựng dựng trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2024 cơ bản duy trì phát triển, các đơn vị thi công, chủ đầu tư chủ động đẩy nhanh thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp đảm bảo tiến độ; hoàn thiện thủ tục hồ sơ để công trình/dự án đã phê duyệt được khởi công đúng theo hợp đồng thi công, nhiều hạng mục công trình sử dụng vốn nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, dân cư đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng. Mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn dồn về gây lũ, lụt trên diện rộng, đặc biệt lũ trên sông Hồng trên báo động III là 3,47 - 4,19m, mưa, lũ ngập lụt gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong thời gian tới, tỉnh dồn toàn lực để tái thiết toàn bộ cơ sợ hạ tầng đã bị thiệt hại sau bão, cùng với việc quyết tâm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, vì vậy giá trị hoạt động xây dựng dự kiến sẽ tăng khá so với năm 2023.

Công tác quy hoạch xây dựng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trọng điểm, như: Quy hoạch phân khu Y Tý; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Lào Cai; Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; Quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

Đến thời điểm hiện tại, một số dự án lớn trong tỉnh đã và đang được khẩn trương triển khai thi công góp phần làm tăng giá trị xây dựng của tỉnh như: Dự án cầu Phú Thịnh nối Quốc lộ 4E với khu đô thị Vạn Hoà; dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn 2; Bệnh viện đa khoa các huyện: Mường Khương, Bát Xát; dự án Trường cao đẳng Lào Cai, Trường PTTH chuyên Lào Cai; dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ câu Làng Giàng đến Quốc lộ 70; dự án xây dựng tuyến đường Vạn Hoà - Yên Bái, dự án Cảng hàng không Sa Pa; nhà ở nội trú Trường TH - THCS - THPT quốc tế Canada - Lào Cai; nâng cấp hồ thải quặng đuôi công ty cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin; các công trình kè dọc sông Hồng nhằm tạo cơ sở cho phát triển đô thị. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như: Dự án đô thị mới Đông Bắc Sa Pa; dự án “Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai” sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); dự án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc), dự án ĐTXD và lắp đặt dây truyền tuyển quặng Apatit; dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; dự án khu nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai tổng vốn đầu tư 2.085 tỷ đồng,...

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

5.1. Tình hình đăng ký kinh doanh

Chín tháng năm 2024, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 480 doanh nghiệp và 34 đơn vị trực thuộc, giảm 2,4% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 4.534 tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 619 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với cùng kỳ; giải thể 78 doanh nghiệp, tăng 14,7%; hoạt động trở lại 250 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Qua kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Lào Cai đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy, có 23,68% số DN đánh giá tình sản xuất kinh doanh (SXKD) tốt hơn quý trước; 23,68% DN đánh giá gặp khó khăn và 52,63% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định. Dự kiến quý IV/2024 so với quý III/2024 có 21,05% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 23,68% số DN dự báo khó khăn hơn và có 55,26% số DN cho rằng tình hình SXKD sẽ ổn định.

Về khối lượng sản xuất: Có 28,95% số DN đánh giá khối lượng sản xuất quý III năm 2024 tăng so với quý II/2024; 34,21% số DN đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 36,84% số DN cho rằng ổn định. Về xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024 , có 21,05% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 31,58% số DN dự báo giảm và có 47,37% số DN dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng: Có 29,41% số DN có đơn đặt hàng quý III/2024 cao hơn quý II/2024; 26,47% số DN có đơn đặt hàng giảm và 44,12% số DN có đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024 với 20,59% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; có 52,94% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định và có 26,47% số DN dự kiến đơn hàng giảm.

Về tồn kho sản phẩm: Có 10,53% số DN có lượng tồn kho quý III năm 2024 tăng so với quý trước; 36,84% số DN có lượng tồn kho giảm và 52,63% số DN giữ ổn định. Xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2023, có 7,89% số DN dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 34,21% số DN cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 57,89% số DN dự báo giữ ổn định.

Về chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm: Có 13,16% số DN khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý III năm 2024 tăng so với quý II/2024; có 10,53% số DN cho biết chi phí giảm và 76,32% số DN cho rằng chi phí tương đương quý trước. Xu hướng trong quý IV/2023, chỉ có 5,26% số DN dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý III/2023; có 10,53% số DN cho rằng chi phí giảm và 84,21% số DN dự kiến chi phí sản xuất ổn định.

Về sử dụng lao động: Có 18,42% số DN khẳng định quy mô lao động quý III/2024 tăng so với quý trước; 13,16% số DN khẳng định giảm và 68,42% số DN cho biết giữ ổn định lao động. Dự kiến quý IV/2024 so với quý III/2024, có 7,89% số DN dự báo quy mô lao động tăng; 76,32% số DN cho rằng sẽ ổn định; 15,79% số DN dự báo giảm số lao động hiện có.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh: Trong quý III/2024, có 76,32% DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 50% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động SXKD của DN; 23,68% DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 23,68% DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất; 18,42% DN cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; thiết bị công nghệ lạc hậu 18,42%; 15,79% DN cho rằng lãi suất cao; còn các nguyên nhân khác thấp chiếm tỷ lệ không quá 11%.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2024 cơ bản ổn định; công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường,... Tuy nhiên, trong sản xuất còn gặp nhiều kho khăn do thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra đầu tháng 9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to gây ngập, lụt sâu trên diện rộng, đồng thời xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở tại nhiều địa phương, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống Nhân dân trong tỉnh.

6.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt

Cây hàng năm

Cây lúa: Diện tích lúa mùa toàn tỉnh ước tính gieo cấy được 24.227 ha, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa đang phát triển tốt. Đối với lúa 1 vụ vùng cao: Trà sớm đang thu hoạch; trà chính vụ và trà muộn đang ngậm sữa - chín sáp. Lúa mùa vùng thấp: Trà sớm đang trỗ bông - phơi màu; trà chính vụ và trà muộn đang đứng cái - trỗ đòng. Do thời tiết nóng ẩm kéo dài, nên tình hình sâu bệnh vẫn xảy ra rải rác trên cây lúa như: Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh ruồi đục nõn, bệnh nghẹt rễ - vàng lá sinh, bọ xít dài, sâu đục thân, bệnh bạc lá, ốc biêu vàng,... gây hại nhẹ với mật độ và tỷ lệ thấp, phân bố rải rác tại các địa phương. Diện tích bị nhiễm đã được phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Cây ngô: Diện tích gieo trồng vụ mùa ước tính đạt 21.366,6 ha, giảm 7,82% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích ngô giảm là do năm 2023 bị hạn các địa phương trồng bổ xung ngay sau khi có mưa. Hiện nay, ngô mùa sớm ở vùng cao đã cho thu hoạch; trà muộn đang phát triển bắp.

Rau, đậu các loại: Hiện nay, các địa phương đang tập trung làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau đậu các loại vụ mùa. Diện tích gieo trồng tháng 9 ước đạt 585 ha, luỹ kế 9 tháng ước đạt 10.849 ha, giảm 3,03% so với cùng kỳ năm trước, giảm do một số địa phương chuyển đổi sang cây trồng khác. Hiện tại, các loại rau, đậu đang được chăm sóc và phát triển bình thường. Dự tính sản lượng rau 9 tháng đạt 139.478 tấn, giảm 2,37% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm thiệt hại 409 ha với mức độ thiệt hại >70%.

Cây lâu năm

Cây chuối: Trong tháng đã trồng mới được 470 ha, diện tích hiện có ước đạt 2.337 ha. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 5.454 tấn; lũy kế 9 tháng ước đạt 33.612 tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm chuối chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, giá bán bình quân ổn định dao động từ 4000 - 4500 đồng/kg. Tỉnh Lào Cai đã quy hoạch vùng trồng chuối tập trung tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên và Thành phố Lào Cai; đã được cấp 14 mã số vùng trồng chuối phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, chuối bị bệnh héo rũ Panama và bệnh đốm lá Sigatoka gây hại, đến nay chưa diệt bệnh triệt để, vì vậy vẫn ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất, sản lượng chuối.

Cây Dứa: Trong tháng trồng mới được 63 ha, diện tích hiện có ước đạt 2.290 ha; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 462 tấn, luỹ kế ước đạt 43.523 tấn, tăng 5,48% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định, giá bán dao động từ 6000 - 7.000đ/kg.

Cây chè: Trong tháng trồng mới được 90 ha, diện tích hiện có ước đạt 8.093 ha, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 43.783 tấn, tăng 5,65%, sản lượng tăng là do đang bắt đầu vào giai đoạn phát triển mạnh, cho năng suất cao; mặt khác, thị trường chè chất lượng cao đã được mở rộng, giá trị thu mua chè búp tươi tăng lên.

b) Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xẩy ra; các sản phẩm chăn nuôi (thịt, cá, trứng,...) đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Ước đàn trâu hiện có đến tháng Chín là 100,46 nghìn con, giảm 3,69% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.082 tấn, giảm 2,21% so với cùng kỳ. Đàn bò hiện có dự ước là 23,46 nghìn con con, tăng 0,73%; sản lượng thịt hơn xuất chuồng 9 tháng đạt ước tính đạt 545 tấn, tăng 1,30%;

Đàn lợn hiện có là 398,45 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,43%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 3.988 tấn, lũy kế 9 tháng đạt 40.699 tấn, tăng 4,10% so với cùng kỳ năm trước;

Đàn gia cầm hiện có là 6.586 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,71%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng ước tính đạt 2.417 tấn, lũy kế 9 tháng đạt 20.643 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%; trong đó, đàn gà có 5.853 nghìn con, tăng 3,39%, gà hơi xuất chuồng trong tháng đạt 1.926 tấn, giảm 3,31% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng sản lượng ước đạt 16.450 tấn, tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh: Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong tháng, đã tiêm được 142,92 nghìn liều vắc xin các loại, lũy kế 9 tháng đạt 1.481,92 nghìn liều. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2024 dịch bệnh vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Bệnh Tả lợn Châu Phi xảy ra tại 07 hộ/07 thôn/07 xã của các huyện: Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Yên và Văn Bàn làm 96 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng phải tiêu hủy 3.073 kg. Bệnh Lở mồm long móng trâu, bò xảy ra tại 29 hộ/06 thôn/03 xã thuộc huyện Văn Bàn làm 59 con trâu, bò mắc bệnh; bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò xảy ra tại 11 hộ/01 thôn/01 xã của huyện Văn Bàn làm 25 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó đã chết 09 con.

6.2. Lâm nghiệp

Tình hình sản xuất: Tình hình sản xuất lâm nghiệp 9 tháng năm 2024 cơ bản ổn định và phát triển; công tác trồng, chăm sóc rừng được quan tâm; hiện nay nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bền vững từ rừng, đã tạo thành vùng hàng hóa tập trung như: Quế, Trẩu, Bồ đề, Mỡ, Keo, Thông...; đã hình thành các sản phẩm lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như ván dán, ván ghép thanh, viên nén mùn cưa,... ngoài ra, còn có nhiều lâm sản ngoài gỗ khác như tinh dầu quế, quế thanh, quế ống điếu, nhựa cánh kiến trắng,...

Công tác phát triển rừng: Công tác trồng rừng mới tập trung trong tháng Chín ước đạt 584 ha; lũy kế 9 tháng đạt 2.824 ha, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 166,12% kế hoạch năm.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 9 ước đạt 8.027 m3; lũy kế 9 tháng ước đạt 94.267 m3, tăng 1,40% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 26.124 ste; lũy kế 9 tháng ước đạt 276.673 ste, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2023.

Quản lý bảo vệ rừng: Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng, phát hiện 07 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, lũy kế 9 tháng phát hiện 120 vụ. Chín tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, thiệt hại 36,35 ha (rừng trồng 10,79 ha, rừng tự nhiên 25,56 ha).

6.3. Thuỷ sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì và ổn định, hiện nay, các địa phương đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá; các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất thuỷ sản theo kế hoạch; tăng cường công tác quản lý và cung ứng giống thuỷ sản trên địa bàn; hướng dẫn Nhân dân tu sửa, nạo vét ao, khử trùng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh cho việc nuôi thả mới. Dự ước, diện tích thủy sản đang nuôi có đến tháng 9 năm 2024 là 2.677,98 ha; sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng ước tính 636 tấn, giảm 3,20% so với cùng kỳ năm 2023 do ảnh hưởng lũ đầu tháng 9; cộng dồn 9 tháng, sản lượng thu hoạch đạt 7.134 tấn, tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2023.

6.4. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa dông, bão, lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, hoa màu của Nhân dân, đặc biệt là đợt mưa, lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra đầu tháng 9/2024. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp:

Về trồng trọt: Thiên tai, mưa lũ làm ảnh hưởng 2.413,86 ha lúa (mức độ thiệt hại >70% là 1.573 ha; còn lại là mức độ ảnh hưởng từ 30% đến <70%); 1.486,46 ha ngô và rau màu bị ảnh hưởng (mức độ thiệt hại >70% là 761 ha ngô và 409 ha rau màu; còn lại là mức độ ảnh hưởng 30% đến <70%); gãy đổ hoàn toàn 12 ha chuối; diện tích cây ăn quả lâu năm 203,98 ha; diện tích rừng 774,47 ha,…

Về chăn nuôi: Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm chết và cuốn trôi 61.783 con giá súc, gia cầm (trâu, bò, ngựa 197 con; lợn, dê, cừu 1.026 con; gia cầm bị chết 60.560 con);

Về Lâm nghiệp: Diện tích cây rừng bị thiệt hại 774,47 ha; trong đó, diện tích thiệt hại >70% là 428 ha; Diện tích vườn ươm giống cây lâm nghiệp bị thiệt hại 1,79 ha với 485 nghìn cây giống bị thiệt hại;

Về thủy sản: Thiệt hại hoàn toàn 385,89 ha thủy sản. Trong đó, sản lượng cá bị thiệt hại ước tính 136 tấn cá tầm và cá hồi thương phẩm và 2.914,82 tấn cá nước ấm. Cá giống bị thiệt hại ước tính 444 nghìn con; trong đó, 123 nghìn con cá giống nước lạnh bị thiệt hại.

7. Sản xuất công nghiệp

Chín tháng năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ có mức tăng khá ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong sản xuất còn gặp những khó khăn nhất định như: Thiếu nguyên liệu đầu vào; giá cả tăng trong khi giá bán các sản phẩm giảm; thị trường xuất khẩu không ổn định; công tác thực hiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc; thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra đầu tháng 9 năm 2024, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghiệp cũng như đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh[2], vì vậy kết quả sản xuất công nghiệp chưu đạt được như mong muốn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước tháng 9/2024 so với tháng trước giảm 9,71%, giảm chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện giảm 17,28%, do ảnh hưởng của mưa bão một số nhà máy thuỷ điện phải dừng hoạt động dài ngày để khắc phục; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,51%, giảm chủ yếu ở ngành khai khoáng quặng kim loại và khai khoáng khác do ảnh hưởng của mưa bão,... Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,65%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,38%. So với cùng kỳ năm trước chỉ số IIP tháng 9 tăng 5,79%; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,71%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,51%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,76%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,11%.

Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh tăng 11,10% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,45%, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,78%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 18,55%, đóng góp 5,08 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,52%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Ngành khai khoáng quặng kim loại tăng 11,10%; khai khoáng khác tăng 3,98%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 70,06%; sản xuất đồ uống tăng 17,91%; dệt tăng 40,85%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 40,53%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,32%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 194,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 16,35%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,21%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,55%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,48%. Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 61,44%, do thiếu nguyên liệu đầu vào; ngành in, sao chép bản ghi các loại giảm 70,94%, do giảm đơn hàng theo nhu cầu; ngành sản xuất kim loại giảm 10,77%, do trong kỳ tạm dừng luân phiên một số bộ phận để duy tu bảo dưỡng, mặt khác nguyên liệu đầu vào giảm tỷ trọng hàm lượng trong quặng (quặng đồng).

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Chín tháng năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Quặng sắt tăng 26,16%; quặng đồng tăng 10,39%; Quặng Apatit tăng 4,21%; tinh bột sắn tăng 139,97%; nước tinh khiết tăng 7,82%; dịch vụ sản xuất các hàng dệt khác chưa được phân vào đâu tăng 40,85%; ván ép từ gỗ tăng 41,62%; in khác tăng 19,68%; phốt pho vàng tăng 6,83%; axit sunfuric tăng 13,45%; axit photphoric tăng 0,61%; DCP tăng 19,89%; phân bón DAP tăng 31,67%; phân lân nung chảy tăng 144,58%; dược phẩm khác (cao atiso) tăng 194,40%; gạch xây dựng tăng 1,2%; bê tông tươi tăng 29,90%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít tăng 59,01%; điện sản xuất tăng 24,46%; nước uống được tăng 3,48%. Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Quặng Felspar giảm 12,99%; dứa đóng hộp giảm 70,34%; gỗ xẻ giảm 100%; giấy đế giảm 61,44%; dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in giảm 72,39%; Supe Photphat (P2O5) giảm 22,50%; phân bón NPK giảm 12,27%; vàng chưa gia công giảm 9,26%; đồng ka tốt giảm 11,07%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 54,97%; bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và chuyển động giảm 100%; điện thương phẩm giảm 3,82%.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 9/2024 so với tháng trước bằng 99,7%; so với cùng kỳ năm 2023 bằng 78,04%. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo bằng 95,46% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu đã tác động giảm chỉ số tiêu thụ chung toàn ngành như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 44,29%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 100%; sản xuất sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 4,47%; sản xuất kim loại giảm 17,45%;... nguyên nhân giảm chủ yếu do trong kỳ các doanh nghiệp tập trung sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; do ảnh hưởng của thiên tai hoặc chậm tiêu thụ do đơn hàng giảm;... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trong kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 103,52%; sản xuất đồ uống đồ uống tăng 22%; in sao chép bản ghi các loại tăng 19,69%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 1,18%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 17,1% sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 24,48%,...

Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2023 dự ước giảm 4,69% so với cùng thời điểm năm trước, ngành có chỉ số tồn kho giảm sâu, tác động đến giảm chỉ số tồn kho toàn ngành như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 86,79%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 64,38%; sản xuất kim loại giảm 34,45%;... Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22,27%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,81 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,33%;... Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2024 là 37,53%. Tuy nhiên vẫn còn một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ 463,78%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 371,61%,...

Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 9 năm 2024 so với tháng trước giảm 0,18%. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước giảm 0,82%; DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,06%; DN Nhà nước tăng 0,33%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,81%; chia theo loại hình: DN ngoài Nhà nước tăng 4,09%; DN Nhà nước giảm 1,61%; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,06%. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,58%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,27%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,34%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 6,64%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tình hình lao động ở các DN sản xuất công nghiệp tăng 2,61% so với cùng kỳ; trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,74%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,52%, riêng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 5,56%.

8. Thương mại, dịch vụ

Chín tháng năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng khá; tỉnh đã có những chính sách kịp thời, tích cực thực hiện nhiều biện pháp kích cầu, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ; những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra nhiều lễ hội truyền thống cùng các chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc hấp dẫn, đồng thời các địa phương tổ chức nhiều chương trình ngày hội văn hóa dân gian tại các bản, làng đã thu hút nhiều du khách đến với tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) một số cơ sở kinh doanh bị ngập lụt, lượng khách tham quan, du lịch giảm kéo theo hàng hóa tiêu thụ ít, các hoạt động dịch vụ khác giảm; hoạt động vận tải bị ngưng trệ, một số tuyến đường bị cô lập,... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Dự ước doanh thu tổng mức bán lẻ và bán buôn hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải, dịch vụ tiêu dùng đạt chưa đạt như mong muốn.

8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước đạt 2.508,94 tỷ đồng, tăng 5,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.705,43 tỷ đồng, tăng 4,73% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 456,22 tỷ đồng, tăng 12,56%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 26,13 tỷ đồng, tăng 4,59%; doanh thu dịch vụ khác đạt 321,17 tỷ đồng, giảm 1,27% so với cùng kỳ năm 2023.

Quý III/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.934,84 tỷ đồng, tăng 13,05% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 5.327,44 tỷ đồng, tăng 10,68%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 1.508,13 tỷ đồng, tăng 25,25%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 80,63 tỷ đồng, tăng 2,91%; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.018,63 tỷ đồng, tăng 10,40% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.257,72 tỷ đồng, tăng 17,29% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 15.839,17 tỷ đồng, chiếm 68,10% tổng mức và tăng 15,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 12,79%; may mặc tăng 18,47%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,72%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 39,05%; ô tô các loại tăng 18,49%; xăng dầu các loại tăng 17,25%; nhiên liệu khác tăng (trừ xăng dầu) 27,62%; đá quý, kim loại quý tăng 25,46%; hàng hóa khác tăng 25,86%; trong kỳ có 2 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ gồm: Gỗ và vật liệu xây dựng giảm 12,49%; phương tiện đi lại (trừ ô tô kể cả phụ tùng) giảm 10,96%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 4.265,33 tỷ đồng, chiếm 18,34% tổng mức và tăng 24,78%; Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 228,05 tỷ đồng, chiếm 0,98% tổng mức và tăng 7,83% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 2.925,17 tỷ đồng, chiếm 12,58% tổng mức và tăng 17,87% so với cùng kỳ năm 2023.

8.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), theo đề nghị của phía Trung Quốc thực hiện ngừng thông quan xuất, nhập khẩu và xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nên giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong tháng ước giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu từ đầu năm đến nay diễn ra khá thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ; tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, số lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 500-600 xe/ngày; tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan duy trì với 04 - 06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 9/2024 ước đạt 405,34 triệu USD, giảm 7,80% so với tháng trước, tăng 80,62% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 2.745,07 triệu USD, tăng 77,50% so với cùng kỳ và đạt 61% kế hoạch năm, trong đó: Giá trị xuất khẩu tháng 9/2024 ước đạt 266,59 triệu USD, giảm 5,69% so với tháng trước, tăng 153,35% so với cùng kỳ; lũy kế ước đạt 1.659,74 triệu USD, tăng 141,22% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 87,35% kế hoạch năm; giá trị nhập khẩu ước đạt 75,25 triệu USD, giảm 10,48% so với tháng trước, tăng 41,44% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế ước đạt 577,76 triệu USD, tăng 48,61% so với cùng kỳ và đạt 48,15% kế hoạch năm; các loại hình (TNTX, KNQ, chuyển CK, Quá cảnh, Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) ước đạt 63,50 triệu USD, giảm 12,89% so với tháng trước, giảm 3,65% so với cùng kỳ; lũy kế ước đạt 507,56 triệu USD, tăng 8,08% so với cùng kỳ 2023 và đạt 36,25% kế hoạch năm.

8.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải duy trì và phát triển khá; các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tương đối ổn định; đặc biệt là hoạt động cáp treo Fansipan có nhiều khởi sắc, đóng góp khá cao cho tăng tưởng của hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 hầu hết các tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt (từ 3-7 ngày) đã ảnh hưởng tới hoạt động vận tải, vì vậy kết quả đạt không cao.

Vận tải hành khách (HK): Tháng Chín ước đạt 860 nghìn HK, tăng 0,43% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 45.162 nghìn HK.km, tăng 0,14%. Ước thực hiện quý III/2024, vận tải HK đạt 3.097 nghìn HK, tăng 3,96% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 166.149 nghìn HK.km, tăng 1,26%. Tính chung 9 tháng năm 2024, vận tải HK đạt 9.601 nghìn HK, tăng 3,14% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 516.170 nghìn HK.km, tăng 1,90%. Về hoạt động vận tải hành khách kết quả đạt chưa cao, do hoạt động vận tải hành khách bằng cáp treo tạm ngừng hoạt động một tháng đầu năm để bảo trì và trong tháng 9 ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên lượng khách tham quan, du lịch giảm mạnh. 

Vận tải hàng hóa: Tháng Chín ước đạt 1.257 nghìn tấn, giảm 9,31% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 44.698 nghìn tấn.km, giảm 11,35%. Quý III/2024 đạt 4.222 nghìn tấn, tăng 8,17%; luân chuyển đạt 151.969 nghìn tấn.km, tăng 1,99%. Tính chung 9 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 12.959 nghìn tấn, tăng 15,16% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 465.456 nghìn tấn.km, tăng 9,50% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Chín ước đạt 415,21 tỷ đồng, giảm 2,60% so với cùng kỳ 2023; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 148,90 tỷ đồng, tăng 7,13%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 204,5 tỷ đồng, giảm 9,69%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 80,26 tỷ đồng, giảm 1,04%. Quý III/2024 ước đạt 1.570,39 tỷ đồng, tăng 10,01% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 638,59 tỷ đồng, tăng 17,10%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 656,28 tỷ đồng, tăng 7,14%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 275,51 tỷ đồng, tăng 2,17%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 4.795,95 tỷ đồng, tăng 9,73% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 1.971,77 tỷ đồng, tăng 8,55%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.029,91 tỷ đồng, tăng 16,73%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 794,26 tỷ đồng, giảm 2,57%.

9. Tình hình kinh tế thế giới quý III và 9 tháng năm 2024[1]

Đến thời điểm tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,7%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2024; Liên hợp quốc (UN) nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2024, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2024. Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên mức dự báo trong tháng 4/2024 khi nhận định nền kinh thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2024.

Trong Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á (bao gồm Timo-Leste) so với tháng 4/2024, đạt 4,6% năm 2024, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước được cải thiện. Tăng trưởng GDP của Việt Nam và Phi-li-pin năm 2024 dự báo cao nhất khu vực, đạt 6,0%, theo sau là In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a ở mức 5,0% và 4,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, Xin-ga-po được dự báo thấp hơn từ 2,3 đến 2,5 lần so với Việt Nam và Phi-li-pin, lần lượt đạt 2,6% và 2,4%.

Các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9-1,1 điểm phần trăm. Cụ thể, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,0% so với nhận định trong tháng 4/2024. IMF và WB nhận định khả quan hơn khi cho rằng tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,1% trong năm 2024, tăng lần lượt 0,3 và 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của hai tổ chức này trong tháng 4 và tháng 6/2024.

9.1. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

Hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với dự báo trước đó.

Fitch Ratings (FR): Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2024, FR dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,7%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2024. Với nền kinh tế Hoa Kỳ, dự báo tăng trưởng năm 2024 được FR điều chỉnh tăng thêm 0,4 điểm phần trăm so với tháng 6/2024, đạt 2,5%. Chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) được kỳ vọng sẽ bắt đầu sớm, nhưng lãi suất sẽ vẫn hạn chế vào năm 2025 và tác động của việc cắt giảm lãi suất đối với tăng trưởng sẽ không nhiều. FR nhận định tăng trưởng của Trung Quốc đạt 4,8%, tăng trưởng của khu vực đồng Euro đạt 0,8% trong năm 2024.

Liên hợp quốc (UN): Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 9/2024, UN nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đạt 2,7% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024, nhờ hoạt động kinh tế tốt hơn dự kiến ở Hoa Kỳ và triển vọng tăng trưởng ngắn hạn được cải thiện ở các nền kinh tế lớn khác, nhất là Bra-xin, Ấn Độ và Vương quốc Anh. Tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu dự báo đạt 1,0% năm 2024, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024 do nền kinh tế Đức tăng trưởng thấp hơn dự kiến bởi ảnh hưởng từ nhu cầu trong nước yếu và suy thoái kéo dài của lĩnh vực sản xuất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật tháng 7/2024 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo trong tháng 4/2024. Khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế đang dần thu hẹp so với thời điểm đầu năm 2024 khi các yếu tố chu kỳ yếu dần và hoạt động kinh tế dần phù hợp hơn so với mức tiềm năng. Tại Hoa Kỳ, tốc độ tăng trưởng chậm lại phản ánh tiêu dùng giảm và đóng góp tiêu cực từ thương mại ròng. Nhật Bản đối mặt với tăng trưởng âm do gián đoạn nguồn cung tạm thời liên quan đến việc đóng cửa một nhà máy ô tô lớn vào đầu năm 2024.

9.2. Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu cải thiện dần trong nửa cuối năm 2024: Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 9/2024 đạt 103,0 cho thấy thương mại hàng hóa có xu hướng tăng trong Quý III/2024. Tuy nhiên, triển vọng tăng vẫn chưa chắc chắn do chính sách tiền tệ thay đổi ở các nền kinh tế phát triển và đơn đặt hàng xuất khẩu giảm. Phần lớn các chỉ số thành phần của thước đo đều bằng hoặc trên xu hướng, ngoại trừ chỉ số thành phần điện tử (95,4) dưới xu hướng và đang giảm. Các chỉ số thành phần của sản phẩm ô tô (103,3), vận chuyển container (104,3) và vận tải hàng không (107,1) đều đang vững chắc trên xu hướng, mặc dù các sản phẩm ô tô gần đây đã giảm đà tăng. Đơn hàng xuất khẩu mới (101,2) có xu hướng giảm. Chỉ số nguyên vật liệu thô (99,3) gần như theo xu hướng nhưng có dấu hiệu giảm trong thời gian tới.

UN và OECD cũng đồng quan điểm khi nhận định thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi từ nửa đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng, đặc biệt trong Quý II/2024, do gia tăng xuất khẩu của khu vực châu Á và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại dịch vụ đang chậm lại vì hoạt động du lịch đã gần như quay về mức trước đại dịch ở hầu hết các khu vực. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chế biến, chế tạo toàn cầu tăng trong nửa đầu năm 2024, phản ánh thương mại toàn cầu và các hoạt động sản xuất đều tăng. Tuy nhiên, sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại nhiều hơn, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và địa chính trị bất ổn cũng đe dọa sự phục hồi của thương mại và giá trị sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu: Trong bối cảnh áp lực giá cả giảm trên diện rộng, UN và OECD đều nhận định lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024. Ở nhiều nước phát triển, lạm phát đang dần tiến gần đến mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, ngay cả khi tăng trưởng tiền lương và lạm phát giá dịch vụ vẫn ở mức cao. Chỉ số giá chi tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Hoa Kỳ và chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) ở khu vực đồng Euro trong tháng 6/2024 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nhìn chung đang tiến gần đến mục tiêu lạm phát 2,0% của các ngân hàng trung ương.

Điều kiện tài chính vẫn còn hạn chế nhưng đang tiếp tục nới lỏng: OECD cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn còn hạn chế nhưng đang tiếp tục nới lỏng và lãi suất chính sách sẽ tiếp tục giảm nhanh hơn dự kiến. Lãi suất thực dài hạn vẫn ở mức cao so với thập kỷ trước tại Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro, Vương quốc Anh và các thị trường mới nổi như Bra-xin. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu danh nghĩa dài hạn đã giảm và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng lên. Giá cổ phiếu đã tăng ở Hoa Kỳ cũng như một số thị trường mới nổi bao gồm Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi. Trong khi tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu phục hồi ở một số nền kinh tế phát triển, các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng vẫn chặt chẽ. Đồng tiền mất giá ở Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Mê-xi-cô và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp tăng nguồn thu xuất khẩu nhưng cũng làm tăng chi phí trả nợ bằng đô la Mỹ và tạo ra áp lực tăng lạm phát.

Áp lực thị trường lao động đã giảm một phần do tăng cung lao động: Theo OECD, áp lực thị trường lao động đã giảm bớt, một phần do nguồn cung lao động tăng. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng tiếp tục giảm nhẹ ở nhiều nền kinh tế phát triển khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm tại Ác-hen-ti-na, Ca-na-đa, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ trong Quý II/2024. Điều này phản ánh nhu cầu lao động đang giảm nhẹ, với tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại ở một số quốc gia. Ngoài ra, lao động nước ngoài tăng đã chiếm phần lớn mức tăng trưởng của lực lượng lao động tại Úc, Ca-na-đa, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu.

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

Trong ngắn hạn, IMF đề cập đến ba rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới như sau:

Thứ nhất, rủi ro lạm phát tăng do giá dịch vụ giảm chậm và áp lực giá phát sinh từ căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị. Rủi ro lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ gắn liền với việc thiết lập mặt bằng tiền lương và giá cả vì chi phí cho lao động chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí của lĩnh vực dịch vụ. Căng thẳng thương mại leo thang có thể làm tăng thêm rủi ro lạm phát trong ngắn hạn do làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu theo chuỗi cung ứng.

Thứ hai, nguy cơ lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn do rủi ro lạm phát gia tăng, từ đó làm tăng rủi ro tài chính. Đồng đô la Mỹ tăng giá do chênh lệch lãi suất có thể làm gián đoạn dòng vốn và cản trở chính sách nới lỏng tiền tệ theo kế hoạch, điều này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Lãi suất cao liên tục có thể làm tăng thêm chi phí vay và ảnh hưởng đến ổn định tài chính nếu những cải thiện về tài chính không bù đắp được lãi suất thực cao hơn trong bối cảnh tăng trưởng tiềm năng thấp hơn. 

Thứ ba, thể có những thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế xuất phát từ kết quả của các cuộc bầu cử năm nay, với những tác động tiêu cực đến phần còn lại của thế giới. Những thay đổi tiềm ẩn kéo theo rủi ro tài chính sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ và đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ. Thuế quan thương mại, cùng với việc mở rộng các chính sách công nghiệp trên toàn thế giới, có thể tạo ra những tác động tiêu cực lan tỏa xuyên biên giới, cũng như kích hoạt sự trả đũa, dẫn đến một cuộc chạy đua tốn kém.

9.3. Tăng trưởng của một số nền kinh tế

Hoa kỳ:

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đạt 2,6% năm 2024, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2024, phản ánh kết quả tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong những tháng đầu năm 2024.

OECD dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,6% năm 2024, giữ nguyên so với dự báo đưa ra trong tháng 5/2024. Mặc dù nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhưng tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ vẫn sẽ chậm lại trong năm 2024. 

Theo UN, tốc độ tăng trưởng vượt xa kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024 là yếu tố tích cực để UN đánh giá lạc quan hơn về tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 so với dự báo trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, thị trường lao động suy yếu, nhu cầu của khu vực tư nhân dự kiến sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm kết hợp với việc FED cắt giảm lãi suất 0,5 điểm cơ bản vào ngày 18/9/2024 do lạm phát dần đạt mức mục tiêu 2,0% và rủi ro suy thoái gia tăng sẽ kéo đà tăng trưởng này chậm lại. Do đó, trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 9/2024, UN dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng 2,5% năm 2024,  điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.  

Như vậy, Hình 2 cho thấy IMF và OECD dự báo tăng trưởng năm 2024 của Hoa Kỳ cao hơn mức 2,5% của năm 2023, đạt 2,6%. Trong khi đó, UN dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 đạt 2,5%, bằng với mức tăng của năm 2023. Riêng ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 chỉ đạt 2,0%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023. 

Trung Quốc:

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 đạt 5,0%, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2024, chủ yếu do tiêu dùng tư nhân phục hồi và xuất khẩu tăng mạnh trong những quý đầu năm.

OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc ở mức 4,9% như đã đưa ra trong tháng 5/2024 nhờ tác động tích cực của chính sách kích thích bổ sung bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng yếu và điều chỉnh sâu trong lĩnh vực bất động sản, kết hợp với gia tăng chi tiêu của chính phủ sau đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương dự kiến sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024. 

Theo UN, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc dự báo đạt 4,8% năm 2024, giữ nguyên so với dự báo vào tháng 5/2024. Trong nửa đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng ổn định nhưng niềm tin người tiêu dùng vẫn yếu. Đầu tư của khu vực công đang bù đắp cho yếu kém kéo dài của lĩnh vực bất động sản. Chính phủ đã duy trì các chính sách tiền tệ thích ứng và chính sách tài khóa chủ động để hỗ trợ tăng trưởng. 

Như vậy, các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 sẽ chậm lại, đạt khoảng 4,8% - 5,0%, thấp hơn mức 5,2% của năm 2023.

Đông Nam Á:

Dự báo tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a đạt 5,0% năm 2024. Nhu cầu trong nước tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Tiêu dùng tăng nhờ chi tiêu của xã hội và chính phủ liên quan đến bầu cử tăng, lạm phát giảm và lương của công chức tăng. Tiêu dùng chính phủ tăng giúp bù đắp cho xuất khẩu ròng âm do nhu cầu toàn cầu yếu và giá hàng hóa biến động.

Triển vọng tăng trưởng GDP của Ma-lai-xi-a năm 2024 vẫn giữ nguyên ở mức 4,5%. GDP tăng trong Quý I/2024 nhờ tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ, việc làm và tiền lương được cải thiện. Đầu tư tăng trưởng mạnh nhờ tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và chi tiêu cho máy móc, thiết bị. Lượng khách du lịch tiếp tục phục hồi, cùng với tăng trưởng trong lĩnh vực lưu trú, vận tải, bất động sản và xây dựng. Xuất khẩu khu vực chế biến, chế tạo phục hồi nhờ động lực từ tăng trưởng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và các sản phẩm dầu thô.

Tăng trưởng của Phi-li-pin được ADB  giữ nguyên mức 6,0% cho năm 2024. Nhu cầu trong nước và xuất khẩu hàng hóa phục hồi đã thúc đẩy tăng trưởng GDP trong Quý I/2024. Tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình, mặc dù thấp hơn năm 2023, vẫn là yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng do được hỗ trợ bởi tỷ lệ thất nghiệp thấp và kiều hối người lao động ở nước ngoài gửi về. Chi tiêu cơ sở hạ tầng công mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu hàng hóa phục hồi, đặc biệt xuất khẩu các sản phẩm điện tử (chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu). Xuất khẩu dịch vụ, bao gồm du lịch và gia công, diễn ra sôi động. Lạm phát giảm nhẹ và chính sách nới lỏng tiền tệ dự kiến áp dụng trong nửa cuối năm 2024 sẽ hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư của hộ gia đình.

Triển vọng tăng trưởng của Thái Lan năm 2024 được ADB giữ nguyên ở mức 2,6%, chủ yếu nhờ du lịch và tiêu dùng tư nhân phục hồi. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân cho các dịch vụ được thúc đẩy bởi doanh thu từ khách du lịch tăng. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng có thể giảm do nền kinh tế phục hồi chậm. 

Theo Hình trên, tăng trưởng của Việt Nam và Phi-li-pin năm 2024 được dự báo cao nhất khu vực, cùng đạt 6,0%, theo sau là In-đô-nê-xi-a 5,0%, Ma-lai-xi-a 4,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, Xin-ga-po được dự báo thấp hơn từ 2,3 đến 2,5 lần so với Việt Nam và Phi-li-pin, lần lượt đạt 2,6% và 2,4%.

Việt Nam

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đạt 6,0%, không đổi so với dự báo trong tháng 4/2024. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi ổn định, với mức tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024. Nhập khẩu, xuất khẩu và nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ, chính sách tiền tệ mang tính thích ứng là những nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù sản xuất công nghiệp được hỗ trợ bởi nhu cầu ngoài nước đối với các mặt hàng điện tử nhưng vẫn cần thận trọng khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu không chắc chắn. Bên cạnh đó, các biện pháp tài khóa như tiếp tục giảm 2,0% thuế giá trị gia tăng và những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024.

Dự báo của WB: Triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, với cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,1% năm 2024, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2024. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, sau khi phục hồi ở mức 16,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024. Trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng cố cân đối ngân sách. Lạm phát dự kiến ở mức 4,5% trong năm 2024. 

Một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Ngoài ra, đối với trong nước, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư, do đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư. Thị trường bất động sản có thể hồi phục chậm hơn dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm.

Dự báo của IMF: Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,0% nhờ chính phủ hành động quyết liệt. Kinh tế bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2023 do xuất khẩu và du lịch phục hồi, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp. Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,1% trong năm 2024 do nhu cầu bên ngoài mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và chính phủ áp dụng các chính sách nới lỏng. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi dần khi các doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn tín dụng và dự kiến lĩnh vực bất động sản hồi phục hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát năm 2024 dự kiến sẽ dao động quanh mục tiêu 4 - 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt với rủi ro giảm tăng trưởng. Thứ nhất, xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể suy yếu do triển vọng tăng trưởng toàn cầu không chắc chắn trước căng thẳng địa chính trị hoặc tranh chấp thương mại. Thứ hai, việc nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến lạm phát trong nước tăng. Thứ ba, bất kỳ sự suy giảm nào trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm gia tăng áp lực đối với khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính trong thời gian tới.

Theo Hình trên, các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9-1,1 điểm phần trăm. Cụ thể, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,0% so với nhận định trong tháng 4/2024, trong khi IMF và WB nhận định khả quan hơn khi cho rằng tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,1% trong năm 2024, tăng lần lượt 0,3 và 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của hai tổ chức này trong tháng 4 và tháng 6/2024.

10. Một số vấn đề xã hội

10.1. Lao động, việc làm

a) Lao động

Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh dự báo trong quý III/2024 tăng nhẹ so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cũng dự báo tăng nhẹ, cụ thể:

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2024 ước đạt 399,25 nghìn người, so với quý trước tăng 0,74%, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,24%. So với quý trước, lực lượng lao động tăng cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn (tương ứng tăng 1,20 nghìn người và tăng 1,72 nghìn người), lực lượng lao động nam và lực lượng lao động nữ đều tăng (tăng 1,90 nghìn lao động nam và tăng 1,03 nghìn lao động nữ). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 0,26 nghìn người và khu vực nông thôn tăng 4,63 nghìn người.

Lao động có việc làm tính đến quý III/2024 ước tính khoảng 395,42 nghìn người; trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 210,6 nghìn người, chiếm 53,25% tổng số lao động có việc làm; khu vực công nghiệp và xây dựng là 83,93 nghìn người, chiếm 21,23%; khu vực dịch vụ 100,89 nghìn người, chiếm 25,52%.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2024 khoảng 3,8 nghìn người, tăng 0,63 nghìn người so với quý trước và tăng 1,37 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,36% và 0,42%). So với quý trước tình hình thiếu việc làm của người lao động đã được cải thiện nhẹ ở khu vực thành thị nhưng chưa được cải thiện nhiều ở khu vực nông thôn, khu vực thành thị giảm 0,01 điểm phần trăm và tăng 0,21 điểm phần trăm ở khu vực nông thôn.

 b) Giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội

Trong tháng, đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm, lũy kế 9 tháng tổ chức 37 phiên giao dịch việc làm, tuyên truyền chính sách lao động, việc làm cho 16.842 lượt người, tiếp nhận đăng ký tuyển dụng của 240 đơn vị với nhu cầu 11.880 lao động; kết nối việc làm cho 668 người, đạt 87,3% kế hoạch năm. Trong tháng 9 giải quyết việc làm cho 470 lao động; trong đó 208 lao động được hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm. Lũy kế 9 tháng năm 2024 giải quyết việc làm cho 12.321 lao động, tăng 6,2% so với cùng kỳ và đạt 85% kế hoạch năm; trong đó 2.817 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.

Triển khai có hiệu quả các hoạt động, tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên Đán năm 2024 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chỉ đạo các địa phương trực tiếp nắm bắt, hướng dẫn, đánh giá cụ thể tình hình thiệt hại của từng hộ gia đình người có công với cách mạng do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Kết quả sơ bộ không có người có công bị thiệt hại về người; 350 hộ bị thiệt hại về nhà ở[1]. Các hộ bị ảnh hưởng tùy từng mức độ đã được chính quyền địa phương di chuyển và tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ kịp thời, đồng thời cử các lực lượng hỗ trợ các gia đình dọn dẹp vệ sinh, ổn định cuộc sống.

Vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2024 với tổng số tiền thu được tính đến nay vận động được 3.420 triệu đồng, đạt 68,5 % kế hoạch năm.

10.2. Giáo dục

Chín tháng năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã tham mưu tốt công tác quản lý nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là công tác tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tổ chức tốt công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng dạy học; chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức các hoạt động hè thiết thực bổ ích; tuyên truyền, cảnh báo đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, đặc biệt là phòng tránh đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè; làm tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; tổ chức thành công hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025; làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới, chỉ đạo tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024-2025 và “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”; Ngày Khai giảng đã thực sự là ngày Hội đối với các thầy cô giáo và các em học sinh; thể hiện rất rõ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân; thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi) nhiều trường và điểm trường trên địa bàn tỉnh bị sạt nở, ngập lụt nặng đã ảnh hưởng đến việc dậy và học. Tính đến ngày 20/9/2024, toàn tỉnh còn 44 trường và 6 điểm trường chưa tổ chức dạy học trở lại do giao thông đi lại rất khó khăn, một số trường, điểm trường chưa đảm bảo an toàn về người và tài sản để đón học sinh trở loại trường; nhiều gia đình giáo viên và học sinh bị ngập nước, sập nhà, mất mát tài sản,... chưa kịp ổn định cuộc sống, hiện nay các cấp chính quyền, địa phương và người dân đang khẩn trương khắc phục để đón học sinh trở lại trường sớm nhất và đảm bảo an toàn.

10.3. Văn hóa, thể thao

Lĩnh vực văn hoá: Tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện. Trong tháng, các đội tuyên truyền lưu động thực hiện tuyên truyền 55 buổi, lũy kế thực hiện 640 buổi, bằng 65,6% kế hoạch; trong đó, phục vụ vùng sâu, vùng xa 50 buổi, lũy kế thực hiện 523 buổi, bằng 76,3% kế hoạch. Thực hiện chiếu phim lưu động 16 buổi, lũy kế thực hiện 76 buổi, bằng 76% kế hoạch. Rạp chiếu phim thực hiện chiếu phim “Nhà chứa quỷ”; “Deadpool và Wolverine”, “Quái vật không gian”, “Làm giàu với ma” phục vụ trên 200 lượt khán giả, doanh thu gần 11 triệu đồng.

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Thực hiện tập luyện, xây dựng 9 tiết mục mới, bằng 60% kế hoạch; Biểu diễn phục vụ Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, Chương trình Hội nghị gặp gỡ Thái Lan lần thứ 2 tại tỉnh Lào Cai. Tập luyện, dàn dựng chương trình tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Hoạt động thể thao: Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh duy trì tốt, sôi nổi và rộng khắp. Trong tháng, tổ chức các 01 giải thể thao cấp tỉnh, lũy kế tổ chức thực hiện 19 giải, đạt 86,3% kế hoạch. Đăng cai tổ chức 01 giải quốc gia: Vô địch taekwondo các CLB quốc gia năm 2024; lũy kế tổ chức 3 giải, đạt 75% kế hoạch. Tham gia 05 giải thể thao toàn quốc: Vô địch xe đạp đường trường và địa hình quốc gia đạt 12 HCV, 06 HCB, 01 HCĐ; Vô địch taekwondo các lứa tuổi trẻ quốc gia đạt 01 HCV, 01 HCB, 04 HCĐ; Vô địch bóng bàn các cây vợt xuất sắc trẻ thiếu niên nhi đồng quốc gia; Vô địch taekwondo các CLB quốc gia; Vô địch boxing quốc gia; lũy kế tham gia 33 giải thể thao thành tích cao, đạt 103% kế hoạch, đạt 96 huy chương các loại (50 HCV, 24 HCB, 22 HCĐ).

10.4. Y tế

Trong tháng, ngành Y tế đã triển khai các hoạt động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng do hoàn lưu của bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3. Thành lập 12 đội cấp cứu điều trị cơ động tại tuyến tỉnh (BVĐK tỉnh, BVSN và 09 BVĐK các huyện, thị xã, thành phố); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 02 đội cơ động để hỗ trợ cơ sở công tác phòng, chống dịch bệnh; Chi cục ATVSTP Thành lập 02 đội giám sát thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho cơ sở công tác bảo đảm ATTP; 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đều đã thành lập tổ cấp cứu cơ động, trực tiếp phối hợp với các lực lượng tại địa phương tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Chỉ đạo việc xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc “Ăn chín, uống chín”, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về ATTP bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bản toàn tỉnh có 13.804 hộ đã được cấp viên Aquatab và hóa chất khử khuẩn để khử khuẩn nước ăn uống, sinh hoạt; các trung tâm y tế tuyến huyện đã tích cực triển khai phun khử trùng tại các trường học, chợ, các hộ dân và các khu vực bị ngập lụt.

Kiểm soát dịch bệnh: Quản lý chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lưu hành địa phương; phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lan rộng. Trong tháng, thực hiện tiêm vắc xin phòng dại 194 người, lũy kế 2.016 người; tiêm huyết thanh dại 47 người, lũy kế 377 người. Phát hiện 03 ca mắc mới sốt xuất huyết ngoại lai, lũy kế 18 ca. Không phát hiện bệnh nhân sốt rét, tổng số lam máu xét nghiệm sốt rét 554, lũy kế 4.598.

Tiêm chủng mở rộng: Thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh; tổng số trẻ được tiêm chủng đầy đủ là 1.211 trẻ, lũy kế 8.096 trẻ, đạt 69,6% kế hoạch năm; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 959 phụ nữ, lũy kế 6.836 phụ nữ, đạt 58,7% kế hoạch; tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh 847 trẻ, lũy kế 7.282 trẻ, đạt 95,8%; công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến.

Công tác khám chữa bệnh: Duy trì thường xuyên công tác khám chữa bệnh (KCB), đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở KCB. Thường xuyên hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên. Tổng số lần khám bệnh, khám kiểm tra sức khoẻ trong tháng đạt 152.545 lượt, lũy kế 9 tháng 1.512.887 lượt. Tổng số lần KCB BHYT là 67.363 lượt, lũy kế 9 tháng 604.213 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh 9 tháng đạt 98,1%; trong đó, Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đạt 98,67%; các PKĐKKV đạt 92,4%.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương làm 03 bệnh nhân nhập viện, 0 tử vong. Căn nguyên do độc tố illudin S trong nấm; lũy kế 9 tháng xảy ra 05 vụ ngộ độc thực phẩm làm 23 người mắc, 01 trường hợp tử vong tại huyện Si Ma Cai.

Thực hiện kiểm tra 6.430 cơ sở thực phẩm, 6.281 cơ sở đạt; phạt tiền 146 cơ sở với số tiền 399,10 triệu đồng, 75 cơ sở tự tiêu hủy 473kg và 169,2 lít thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Kiểm nghiệm Labo 205 mẫu thực phẩm, 62/62 mẫu đạt, đang kiểm nghiệm 143 mẫu; Test nhanh 4.538 mẫu, 4.522 mẫu đạt, 16 mẫu không đạt do phát hiện bún, phở dương tính với formol, rau dương tính với thuốc bảo vệ thực vật.

10.5. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 9/2024 xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 9 người chết và 10 người bị thương. So với tháng trước số vụ tăng 20%; số người chết gấp 4,5 lần, số người bị thương tăng 100%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ giảm 29,41%; số người chết tăng 80%; số người bị thương giảm 56,52%. Tính chung 9 tháng năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 150 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 58 người chết và 122 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 18,11%, số người chết tăng 18,37% và số người bị thương giảm 16,44%.

Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra nồng độ cồn,... Trong tháng, phát hiện lập biên bản xử lý 1.087 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 527 phương tiện các loại, tước 274 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 2,61 tỷ đồng; luỹ kế lập biên bản xử lý 12.599 trường hợp, tạm giữ 5.997 phương tiện, tước 3.100 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 32,50 tỷ đồng.

10.6. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Bão Yagi), từ đêm 7 đến sáng 9/9, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng. Mưa lớn cộng với lũ từ thượng nguồn dồn về gây lũ trên nhiều sông, suối trên địa bàn tỉnh; đặc biệt trên sông Hồng đêm ngày 9/9 trên báo động III là 3,47 - 4,19m vượt lũ lịch sử. Mưa, lũ gây ngập úng, lũ quét và sạt lở đất ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, thiệt hại do bão gây ra sơ bộ đến nay như sau:

Thiệt hại về người: Số người bị chết 131 người (Bát Xát 15; Si Ma Cai: 07; Bắc Hà: 28; Sa Pa: 09; Bảo Yên: 70; Văn Bàn: 02); 20 người mất tích (Bát Xát; 02; Bắc Hà: 06; Bảo Yên: 12); 50 người bị thương (Bát Xát; 07; Si Ma Cai: 08; Bắc Hà: 11; Sa Pa: 01; Bảo Yên: 23 người).

Thiệt hại về nhà ở: Tổng số 6.983 nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng; trong đó: 1.019 nhà bị thiệt hại hoàn toàn >70%; 549 nhà thiệt hại rất nặng từ 50-70%; 1.073 nhà thiệt hại nặng từ 30-50%; 4.342 nhà thiệt hại một phần < 30%; 1.965 nhà bị ngập nước; 789 nhà bị sạt lở sạt lún; 3.454 nhà phải di dời khẩn cấp; 1.024 nhà bị hư hỏng công trình phụ.

Thiệt hại về nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Diện tích lúa bị thiệt hại là 2.413,86 ha; diện tích ngô, hoa màu 1.486,46 ha; diện tích cây trồng hàng năm khác (sắn, đao giềng, dứa,...) 444,43 ha; diện tích cây ăn quả lâu năm 203,98 ha; diện tích rừng 774,47 ha; cây xanh bị gẫy đổ 6.500 cây; diện tích cây công nghiệp, dược liệu bị thiệt hại 774,8 ha; cây giống nông, lâm nghiệp thiệt hại 45.000 cây chuối, 400.000 cây Quế, 40.000 cây ăn quả ôn đới; 61.783 con giá súc, gia cầm (trâu, bò, ngựa 197 con; lợn, dê, cừu 1.026 con; gia cầm bị chết 60.560 con); diện tích nuôi trồng thủy sản 385,89 ha và 1.683 m3 cá nước ngọt; cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi 3.050,82 tấn và 123.200 con cá giống nước lạnh; chuồng trại chăn nuôi hư hỏng 1.018 cái.

Thiệt hại về công nghiệp: Bị gãy đổ 1,229 cột điện, 4,593 cột viễn thông, trạm biến áp bị sự cố 6 cái; thủy điện bị sạt lở, hư hỏng 34 cái; 170 tuyến cáp bị đứt; 06 máy móc thông tin liên lạc.

Về cơ sở hạ tầng, giao thông: 480 công trình thuỷ lợi; 204 công trình nước sạch nông thôn bị hư hỏng; Quốc lộ 4D, 4E, 279: Sạt ta luy dương 883 vị trí, khối lượng sạt 642.632 m3; sạt ta luy âm 88 vị trí, chiều dài 2.882 m; hư hỏng mặt đường 118 vị trí với diện tích 30573 m2; đất bùn tràn mặt, rãnh dọc 104.653 m3...; Đường tỉnh: 151-162 Sạt ta luy dương 1.357 vị trí, khối lượng sạt 1.239.169 m3; sạt ta luy âm 257 vị trí, chiều dài 8.555 m; hư hỏng mặt đường 110 vị trí với diện tích 35.265 m2; đất bùn tràn mặt, rãnh dọc 70.151 m3...; Đường cấp huyện, cấp xã (hư hỏng 1.257 tuyến); sạt lở ta luy dương 3.171 vị trí, khối lượng sạt 2.577.291 m3; sạt lở taluy âm 536 vị trí, chiều dài 36.498 m; 144 trường, điểm trường; 10 trụ sở công sở; 41 nhà văn hoá; 28 trạm y tế xã; 370 cụm loa truyền thanh cơ sở bị hư hỏng,...

Ngoài ra còn thiệt hại nhiều cơ sở vật chất và tài sản của Nhân dân. Ước tính giá trị thiệt hại do bão gây ra khoảng 6.687,80 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2024 xảy ra 26 vụ thiên tai do mưa bão, giông lốc, rét đậm, rét hại; thiệt hại do thiên tai gây ra làm 136 người chết, 20 người mất tích 51 người bị thương; hư hại 8.584 ngôi nhà; thiệt hại 3.716 ha lúa, ngô, rau mầu; 203,98 ha cây ăn quả lâu năm; 774,47 ha rừng; 6.500 cây xanh bị gẫy đổ; 774,8 ha cây công nghiệp, dược liệu bị thiệt hại; cây giống nông, lâm nghiệp thiệt hại 45.000 cây chuối, 400.000 cây Quế, 40.000 cây ăn quả ôn đới; làm chết 64.864 con giá súc, gia cầm (trâu, bò, ngựa 208 con; lợn, dê, cừu 1.026 con; gia cầm bị chết 63.630 con); diện tích nuôi trồng thủy sản 385,89 ha và 1.683 m3 cá nước ngọt; cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi 3.050,82 tấn và 123.200 con cá giống nước lạnh; nhiều công trình cơ sở vật chất (trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà xưởng, thuỷ điện, thuỷ lợi,...) bị hư hại, nhiều tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã bị sạt lở với khối lượng lớn gây ách tắc giao thông cục bộ,... Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 6.830,27 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước gấp 6,3 lần. Tổng số tiền cứu trợ là 187,19 tỷ đồng.

10.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Cháy, nổ: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, nguyên nhân xẩy ra cháy do chập điện; ước thiệt hại khoảng 6 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xảy ra 21 vụ cháy, nổ; ước thiệt hại khoảng 1.140 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra cháy, nổ chủ yếu do chập điện và do bất cẩn trong sử dụng ga, lửa.

Môi trường: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vi phạm môi trường; lũy kế 9 tháng xảy ra 56 vụ, so với cùng kỳ năm trước giảm 24,4%; đã được xử lý, giải quyết 46 vụ; số tiền xử phạt là 1,5 tỷ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về môi trường trong việc xử lý chất thải,...

Tóm lại: Chín tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tuy còn gặp những khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều điểm tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước thực hiện cả năm 2024 (ước lần 1) tăng 7,06% so với năm trước, cao hơn mức tăng 5,11% của năm 2023 so với năm 2022; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp tuy gặp phải một số khó khăn nhưng vẫn được duy trì và phát triển; hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động du lịch đạt khá, tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn của nền kinh tế; các chế độ chính sách, an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh,...

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và có những giải pháp tích cực, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp chính như:

1. Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát; triển khai thực hiện tốt Công điện số 100/CĐ-TTg, ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ; Chỉ thị số 50/CT-TU ngày 27/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đên năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị, kết nối bao tiêu sản phẩm. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nội ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và sắp xếp dân cư nông thôn.

3. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển, có tính lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh và vùng. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án Nhà máy gang thép Việt Trung và mỏ sắt Quy Xa đi vào hoạt động; đồng thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm: Dự án đầu tư nhà máy sản xuất axit thực phẩm, axit điện tử và muối phốt phát; Dự án nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao; dự án Trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống và chế biến dược liệu Vitamec Lào Cai,…

4. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

5. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.

6. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống./.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập