Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tháng Mười, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì và ổn định; kịp thời triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ổn định đời sống của Nhân dân. Hiện nay các địa phương đang tập trung chăm sóc cây trồng và thu hoạch lúa mùa; công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường.

1.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt

- Cây hàng năm

+ Cây lúa: Diện tích gieo cấy lúa mùa đạt 24.291,96 ha, tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa mùa sớm ở vùng cao đã thu hoạch xong; vùng thấp, trà sớm đang thu hoạch, trà muộn đã đỏ đuôi.

Do thời tiết nóng ẩm kéo dài, nên tình hình sâu bệnh vẫn xảy ra rải rác trên cây lúa như: Bệnh đạo ôn cổ bông; bệnh rầy nâu - rầy lưng trắng; bệnh khô vằn; bệnh ruồi đục nõn; bệnh nghẹt rễ - vàng lá sinh; bọ xít dài, sâu đục thân, bệnh bạc lá, ốc biêu vàng,... gây hại nhẹ với mật độ và tỷ lệ thấp, phân bố rải rác tại các địa phương. Những diện tích bị nhiễm đã được hướng dẫn phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

+ Cây ngô: Diện tích gieo trồng ngô vụ mùa đạt 21.328 ha, giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay ngô trà sớm ở vùng cao đã thu hoạch xong, ngô trà sớm vùng thấp ở một số địa phương đã cho thu hoạch.

+ Cây rau, đậu các loại: Các địa phương đang tập trung làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau đậu vụ mùa các loại. Diện tích gieo trồng trong tháng đạt 572 ha, lũy kế đạt 11.554,47 ha, bằng 97,18% so với cùng kỳ năm trước; diện tích giảm do hiệu quả kinh tế thấp, một số địa phương chuyển đổi cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện tại, các loại rau đang được chăm sóc và phát triển tốt.

- Cây lâu năm

+ Cây chuối: Trong tháng đã trồng mới được 108 ha, diện tích hiện có ước đạt 2.388 ha, tăng 29,01% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 3.826 tấn, lũy kế đạt 37.438 tấn, giảm 28,35% so với cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng chuối giảm mạnh là do cuối năm 2023 bệnh héo rũ Panama phát triển mạnh làm cây bị chết, hiện nay các địa phương đang phục hồi trên diện tích bị thiệt hại năm trước.

+ Cây Dứa: Cơ bản các địa phương đã thu hoạch xong, sản lượng thu hoạch lũy kế đạt 44.205 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định.

- Cây chè: Các địa phương đang tiếp tục chăm sóc, làm đất chuẩn bị đủ chè giống cho kế hoạch trồng mới trong năm, đảm bảo giống trồng tiêu chuẩn cho 300 ha chè theo kế hoạch giao. Diện tích trồng mới trong tháng ước đạt 42 ha, lũy kế đạt 120,9 ha; diện tích hiện có là 8.118 ha, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thu hoạch 10 tháng ước đạt 45.493 tấn, tăng 5,45%. Nguyên nhân sản lượng tăng là do cây chè đang bắt đầu vào giai đoạn phát triển mạnh, cho năng suất cao; mặt khác, thị trường chè chất lượng cao đã được mở rộng, giá trị thu mua chè búp tươi tăng, dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg; đối với chè chất lượng cao (Kim Tuyên) giá thu mua giao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.

b) Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển tốt; tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình phát triển chăn nuôi; công tác kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ trên địa bàn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Dự ước đàn trâu hiện có đến tháng Mười là 100,44 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,68%; đàn bò là 23,47 nghìn con, tăng 0,75%; đàn lợn 392,45 nghìn con, tăng 0,30%; đàn gia cầm 6.178 nghìn con, tăng 3,31%; trong đó, đàn gà là 5.102 nghìn con, tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Lâm nghiệp

- Công tác phát triển rừng: Diện tích trồng rừng mới tập trung trong tháng ước đạt 560 ha; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10 ước đạt 3.384 ha, giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2023.

- Khai thác lâm sản: Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 12.055 m3, giảm 8,85% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế ước đạt 106.322 m3, tăng 0,12%. Sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 26.124 ste; lũy kế ước đạt 276.673 ste, tăng 0,66% so với cùng kỳ.

- Quản lý, bảo vệ rừng: Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra canh phòng cháy rừng, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng, phát hiện 03 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (phá rừng 02 vụ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 01 vụ).

1.3. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định, các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá, đồng thời quản lý, chăm sóc đàn cá bố mẹ để tiến hành tham gia sinh sản và hướng dẫn Nhân dân tu sửa, nạo vét ao, khử trùng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh cho việc nuôi thả mới. Diện tích thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.677,98 ha; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 1.225 tấn, lũy kế ước đạt 7.942 tấn, tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Sau thời gian tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Bão Yagi), các doanh nghiệp đã chủ động khôi phục sản xuất kinh doanh, tuy tình hình sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (+0,23%). Nguyên nhân, các dự án lớn thiếu nguyên liệu đầu vào (quặng apatit) có đơn vị chỉ duy trì sản xuất với khoảng 60% công suất; đối với ngành sản xuất và phân phối điện do chịu ảnh hưởng của mưa bão, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 12 nhà máy thuỷ điện đang tạm dừng để khắc phục các hạng mục công trình,.... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng Mười, dự ước chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước. Tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng tăng 27,23%, tập trung ở ngành khai thác quặng kim loại và quặng Apatit, do các doanh nghiệp có tăng đơn hàng trong kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí chỉ tăng 0,32%, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 một số nhà máy bị ảnh hưởng ngập lụt cần thời gian khắc phục, bên cạnh đó các nhà máy có công suất lớn, không ảnh hưởng nhiều do mưa bão vẫn duy trì phát điện ổn định; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,74%. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ số sản xuất giảm 12,01% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu ở các ngành trọng điểm chiếm tỷ trọng lớn như: Ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 14,63%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 27,08%, nguyên nhân chính do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh tăng 9,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,43%, đóng góp 3,10 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,36%, đóng góp 1,87 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,71%, đóng góp 4,30 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,49%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Trong các ngành công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Ngành khai khoáng quặng kim loại tăng 12,69%, tăng chủ yếu ở khai thác quặng sắt tăng 25,99%, quặng đồng tăng 12,03%; khai khoáng khác tăng 2,18%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 41,57%; sản xuất đồ uống tăng 15,98%; dệt tăng 98,41%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 57,12%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,31%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 131,18%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 18,40%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 5,32%; sản xuất và phân phối điện tăng 15,71%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,59%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 52,02%, do thiếu nguyên liệu đầu vào; ngành in, sao chép bản ghi các loại giảm 69,92%, do giảm đơn hàng theo nhu cầu; ngành sản xuất kim loại giảm 8,63%, do trong kỳ nguyên liệu đầu vào giảm tỷ trọng trong quặng (quặng đồng) và trong kỳ có dừng luân phiên một số bộ phận trong dây chuyền sản xuất để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Quặng sắt tăng 25,99%; quặng đồng tăng 12,03%; Quặng Apatit tăng 2,43%; tinh bột sắn tăng 55,29%; chè (trà) nguyên chất tăng 37,39%; bia hơi tăng 36,06%; nước tinh khiết tăng 6,64%; dịch vụ sản xuất các hàng dệt khác chưa được phân vào đâu tăng 98,41%; ván ép từ gỗ tăng 58,31%; in khác tăng 10,83%; phốt pho vàng tăng 4,45%; axit sunfuric tăng 9,39%; Phosphat DCP tăng 8,39%; phân bón DAP tăng 29,45%; phân lân nung chảy tăng 123,97%; dược phẩm khác (cao atiso) tăng 131,18%; gạch xây dựng tăng 9,23%; bê tông tươi tăng 26,53%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít tăng 39,01%; điện sản xuất tăng 20,41%; nước uống được tăng 3,59%.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Quặng Felspar giảm 16,72%; dứa đóng hộp giảm 70,34%; gỗ xẻ giảm 100%; giấy đế giảm 52,02%; dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in giảm 71,42%; sản phẩm axit photphoric giảm 1,0%; Supe Photphat (P2O5) giảm 22,21%; phân bón NPK giảm 21,38%; vàng chưa gia công giảm 7,6%; đồng ka tốt giảm 8,84%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 51,86%; điện thương phẩm giảm 3,16%.

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp (DN) công nghiệp tháng Mười tăng 0,04% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động trong các DN Nhà nước tăng 0,10%; DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,06%; DN ngoài Nhà nước giảm 0,04%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng Mười năm nay tăng 1,99%. Chia theo loại hình: DN ngoài Nhà nước tăng 7,02%; DN Nhà nước giảm 1,44%; lao động khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,02%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ổn định; công nghiệp khai khoáng giảm 0,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 6,76%.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, tình hình lao động ở các DN sản xuất công nghiệp tăng 2,57% so với cùng kỳ, chủ yếu tăng ở ngành khai khoáng tăng 2,43%; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,91%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,35%, riêng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 5,63%.

3. Vốn đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai tháng Mười ước đạt 625,44 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 15,22%, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,14%. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương ước đạt 365,35 tỷ đồng, tăng 26,58%; vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 256,37 tỷ đồng, tăng 2,28% so với tháng trước. Trong tổng nguồn vốn, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 341,15 tỷ đồng, chiếm 54,55% tổng số và tăng 13,57% so với tháng trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 284,29 tỷ đồng, chiếm 45,45% tổng nguồn vốn và tăng 17,26% so với tháng trước.

Tính chung 10 tháng năm 2024 tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 4.309,40 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 96,01% và đạt 66,27% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 2.364,77 tỷ đồng, giảm 8,08% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 54,87% tổng nguồn vốn; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.944,63 tỷ đồng, tăng 1,50% và chiếm 45,13% tổng nguồn vốn.

Vốn đầu tư thực hiện tháng Mười tăng so với cùng kỳ chủ yếu là do kế hoạch vốn giao năm 2024 được bổ sung từ nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh tăng 10,93%; mặt khác, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo môi trường đầu tư của tỉnh, ngay từ đầu năm các chủ dự án đã đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chuyển tiếp; đẩy nhanh công tác đấu thầu và khởi công các dự án đã được phê duyệt. Do vậy, tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối được tỉnh tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai như: Dự án hạ tầng kỹ thuật tiểu khu đô thị số 15; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 151 B đoạn Nậm Tha Phong Dụ Hạ (Km 47- km 50 + 890); dự án Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 161 cũ đoạn km 7 + 350 (Tỉnh lộ 157) - Km 5+ 031 (đường Phố Mới - Bảo Hà), huyện Bảo Thắng; dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 151 B đoạn Chiềng Ken - Nậm Tha (Km 23 - Km 47); cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 152 B đoạn Thanh Phú - Nậm Cang (Km 0 - Km 13); cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 153 đoạn Bản Liền - Nghĩa Đô (Km 48 - Km 72); dự án sử dụng vốn khai thác khoáng sản và đảm bảo hạ tầng giao thông: Dự án Nâng cấp tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát) đoạn từ cầu Quang Kim đến nút giao với đường BV32 và BV28 và san gạt mặt bằng 2 bên đường với chiều sâu 50 m; 02 Dự án hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp Tằng Loỏng - Giai đoạn 2; Kè sông Hồng, di dân tái định cư khu vực Cánh Chín, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai (đoạn từ cầu Phố Mới đến xã Vạn Hòa); dự án hạ tầng giao thông nội thị ưu tiên cấp bách để vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu - Đường D2 kéo dài xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai; dự án Cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Đông Phố Mới; dự án san gạt mặt bằng hai bên tuyến đường D1 đoạn từ Km 0 + 750 (nút giao đường B1) - Km 9 + 353 (nút giao đại lộ Trần Hưng Đạo); dự án Hạ tầng kỹ thuật phía sau trụ sở khối II,… Ngoài ra các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng được quan tâm đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Nhà ở xã hội tại khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, với tổng mức đầu tư 2.085 tỷ đồng; nhà ở xã hội tại xã Vạn Hoà, với tổng mức đầu tư 562 tỷ đồng; nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối Musa Golden, với tổng mức đầu tư 386 tỷ đồng; khu nhà ở thương mại tại lõi đất sau khu dân cư các đường Hoàng Liên, Lý Công Uẩn, Nguyễn Du, với tổng mức đầu tư 51,4 tỷ đồng; khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Võ Lao, với tổng mức đầu tư 22,3 tỷ đồng; đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng; chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn, với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng,...

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

Tháng Mười và mười tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, trong tháng Chín do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Bão Yagi) một số cơ sở kinh doanh bị ngập lụt, lượng khách tham quan, du lịch giảm, kéo các hoạt động dịch vụ khác giảm; hoạt động vận tải ở một số tuyến đường bị cô lập,... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Ngay sau bão, tỉnh đã chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, cùng với đó là những chính sách kịp thời, tích cực thực hiện nhiều biện pháp kích cầu, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ; khôi phục hạ tầng giao thông,... Dự ước doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy đạt khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước đạt 2.579,08 tỷ đồng, tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.768,88 tỷ đồng, tăng 5,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 455,39 tỷ đồng, tăng 10,26%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 25,55 tỷ đồng, tăng 3,84%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 329,26 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 25.836,94 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động như sau:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 17.612,76 tỷ đồng, chiếm 69,17% tổng mức và tăng 14,44% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 22,21%; hàng may mặc tăng 19,89%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,16%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 36,31%; ô tô các loại tăng 17,54%; xăng dầu các loại tăng 15%; nhiên liệu khác tăng 27,18%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 23,67; hàng hóa khác tăng 24,42%; riêng nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng giảm 11,44%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 12,68%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.716,42 tỷ đồng, chiếm 18,25% tổng mức và tăng 23,10% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 253,46 tỷ đồng, chiếm 0,98% tổng mức và tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 3.254,3 tỷ đồng, chiếm 12,60% tổng mức và tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong tháng, hoạt động xuất, nhập khẩu tương đối ổn định. Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa vẫn duy trì ổn định và không xảy ra hiện tượng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là sầu riêng, gỗ ván bóc, thanh long, mít, chuối; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện,… Lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 495 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 90 xe/ngày, nhập khẩu 405 xe/ngày. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan được duy trì với 02 - 04 chuyến tàu xuất, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu là lưu huỳnh.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng Mười ước đạt 258,43 triệu USD, giảm 24,08% so với tháng trước và tăng 6,64% so với tháng cùng kỳ năm 2023; lũy kế ước đạt 3.003,54 triệu USD, tăng 68,37% so với cùng kỳ và đạt 66,75% kế hoạch năm, trong đó:

- Giá trị xuất khẩu ước đạt 125,35 triệu USD, giảm 37,13% so với tháng trước và tăng 79,41% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế ước đạt 1.722,93 triệu USD, tăng 141,22% so với cùng kỳ năm trước và đạt 90,68% kế hoạch năm;

- Giá trị nhập khẩu ước đạt 79,50 triệu USD, giảm 2,03% so với tháng trước và tăng 43,70% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế ước đạt 662,81 triệu USD, tăng 49,25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,23% kế hoạch năm.

- Các loại hình khác (TNTX, KNQ, chuyển CK, Quá cảnh, Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) ước đạt 51,58 triệu USD, giảm 9,01% so với tháng trước và giảm 55,55% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế ước đạt 617,80 triệu USD, tăng 6,38% so với cùng kỳ và đạt 44,13% kế hoạch năm.

4.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Trong tháng, giá xăng dầu tăng cùng với giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng do nhu cầu tăng và lượng cung giảm sau ảnh hưởng của mưa bão là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,19% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Mười tăng 1,37% và so với cùng kỳ năm trước tăng 1,64%. Bình quân 10 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 1,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Mười,03 nhóm giữ giá ổn định, 06 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá so với tháng trước. Trong đó:

- Các nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục (CPI=100);

- Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,61%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm giao thông tăng 0,37%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%;

- Các nhóm có chỉ số giảm: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,21%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,36%.

Các nguyên nhân chính làm CPI tháng 10 tăng so với tháng trước là do: (1) Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,61%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, trong đó: Lương thực tăng 0,13%, thực phẩm tăng 0,88%; (2) chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%, chủ yếu do mặt hàng nước khoáng và nước có ga tăng giá từ nhà sản xuất; (3) chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%, do thời tiết chuyển mùa, nhu cầu người dân đối với các mặt hàng may mặc thu đông tăng, trong đó: Giá vải các loại tăng 4,75%, mặt hàng giày dép tăng 0,03%; (4) Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%, do các cơ sở thay đổi giá theo chương trình kinh doanh; (5) Chỉ số nhóm giao thông tăng 0,37%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,04 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng của Bộ Công Thương theo thị trường trong nước và quốc tế (trong tháng giá dầu diezel tăng 2,27%, giá xăng tăng 1,00%); (6) Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%, nguyên nhân chủ yếu do giá đồ trang sức (vàng tăng 5,96%) theo ảnh hưởng chung của giá vàng.

Các yếu tố chính làm CPI tháng Mười giảm so với tháng trước là do: (1) Chỉ số nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,21%, do một số mặt hàng có mức giá biến động như: Giá nước sinh hoạt giảm 0,86%, giá điện sinh hoạt giảm 1,48%; (2) chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,36%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,01 điểm phần trăm, chủ yếu do cơ sở kinh doanh game giảm giá dịch vụ để thu hút khách.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng bình quân tháng Mười là 8.182.773 đồng/chỉ, tăng 5,44% so với tháng trước do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới; giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.967 VND/USD, tăng 1,31% so với tháng trước.

4.4. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải 10 tháng đầu năm 2024 duy trì và phát triển khá; các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tương đối ổn định; đặc biệt là hoạt động cáp treo Fansipan có nhiều khởi sắc, đóng góp khá cao cho tăng tưởng của hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 một số tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt (từ 3-7 ngày) nên có phần ảnh hưởng tới hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh.

a) Vận tải hành khách

Tháng Mười, vận tải hành khách ước đạt 874 nghìn người, giảm 3,93%; luân chuyển ước đạt 45.162 nghìn HK.Km, giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách đạt 10.482 nghìn người, tăng 2,58%; luân chuyển đạt 561.223 nghìn HK.Km, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hành khách kết quả đạt chưa cao, chủ yếu là do, trong kỳ vận tải hành khách bằng cáp treo tạm ngừng hoạt động 01 tháng để bảo trì, cùng với đó do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên lượng khách tham quan, du lịch giảm mạnh. 

b) Vận tải hàng hóa

Tháng Mười, vận tải hàng hóa ước đạt 1.279 nghìn tấn, giảm 10,62; luân chuyển ước đạt 45.140 nghìn tấn.km, giảm 14,78% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 14.241 nghìn tấn, tăng 12,28%; luân chuyển đạt 510.798 nghìn tấn.km, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.

c) Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tháng Mười ước đạt 430,19 tỷ đồng, giảm 6,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 154,61 tỷ đồng, giảm 1,10%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 194,06 tỷ đồng, giảm 11,15%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 81,52 tỷ đồng, giảm 3,78%.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 5.149,24 tỷ đồng, tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 2.129,90 tỷ đồng, tăng 7,96%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.224,09 tỷ đồng, tăng 13,62%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 795,27 tỷ đồng, giảm 11,63% so với cùng kỳ năm 2023.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

- Trong tháng, giải quyết việc làm cho 949 lao động; lũy kế giải quyết việc làm cho 13.270 lao động, tăng 6,10% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 91,50% kế hoạch năm. Công tác Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quan tâm; trong tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo được 1.504 người, lũy kế tuyển sinh, đào tạo được 11.308 người, đạt 94,2% kế hoạch năm.

- Các ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3 đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc trong và ngoài nước để kết nối việc làm cho người lao động góp phần ổn định thị trường lao động sau bão. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, BHTN, BHXH: Trong tháng, đã tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm, lũy kế tổ chức 48 phiên giao dịch việc làm; tuyên truyền chính sách lao động, việc làm cho 17.896 lượt người; tiếp nhận đăng ký tuyển dụng của 261 đơn vị với nhu cầu 12.280 lao động; kết nối việc làm thành công cho 680 người, đạt 89% kế hoạch năm.

- Tiếp tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong tháng 10/2024, đã có 18 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; luỹ kế toàn tỉnh có 213 lao động xuất cảnh, tăng 45 người so với cùng kỳ năm 2023, đạt 106,5% kế hoạch năm.

- Tăng cường quản lý thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH); Tính đến ngày 15/10/2024, toàn tỉnh có 62.077 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trong tháng là 33,93 tỷ đồng; lũy kế 1.826,59 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là 167,68 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Việc chi trả, giải quyết các chế độ BHXH đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Giải quyết chế độ BHTN cho 1.929 lượt lao động; giải quyết chế độ BHTNLĐ-BNN cho 05 người; hỗ trợ tư vấn việc làm cho 100% lao động đến tư vấn và giải quyết đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

5.2. Lĩnh vực y tế

a) Công tác phòng, chống dịch bệnh

- Tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Bão Yagi); quản lý chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lưu hành địa phương; phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lan rộng. Trong tháng Mười đã xuất hiện các ổ dịch: Ổ dịch đau mắt đỏ tại thôn Khổi Nghè, Sơn Thủy - Văn Bàn với 33 ca mắc; Ổ dịch Cúm A tại trường TH-THCS bán trú xã Nậm Khánh - Bắc Hà với 26 ca mắc; Ổ dịch bệnh tiêu chảy tại Thôn Giàng Thàng - Đồng Tuyển - Thành phố Lào Cai với 15 ca; các ổ dịch đều được theo dõi, giám sát, cách ly điều trị ổn định.

- Thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng: Tổng số trẻ được tiêm chủng đầy đủ là 1.584 trẻ; lũy kế 9.680 trẻ, đạt 83,2% kế hoạch; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 1.495 người; lũy kế 8.331 người, đạt 71,6% kế hoạch; tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh 946 trẻ; lũy kế 8.228 trẻ, đạt 96,2%; công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến.

b) Công tác khám chữa bệnh

Duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Tổng số lần khám bệnh, khám kiểm tra sức khoẻ trong tháng Mười là 165.054 lượt, trong đó khám chữa bệnh BHYT là 64.233 lượt.

c) Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong tháng, các ngành chức năng tiến hành kiểm tra 1.559 cơ sở về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đã phát hiện 23 cơ sở vi phạm, đã xử lý vi phạm hành chính, số tiền phạt là 193,21 triệu đồng; 21 cơ sở tự nguyện tiêu hủy 107.4 kg và 12.2 lít thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm như hàng hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất sứ.

Trong tháng xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa làm 03 người mắc và nhập viện, không xảy ra tử vong; 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Cao đẳng Lào Cai, số người mắc 80, hiện các bệnh nhân đã ổn định, không có tử vong.

5.3. Lĩnh vực giáo dục

Công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả Bão số 3 (Yagi), sớm ổn định công tác dạy và học đối với các trường bị ảnh hưởng, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bão số 3 đã làm 141 trường, điểm trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại; đến nay, 100% các trường, điểm trường đã tổ chức dạy và học trở lại.

5.4. Văn hóa, thể thao

- Các hoạt động văn hóa phục vụ cơ sở tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện. Trong tháng, các đội tuyên truyền lưu động thực hiện tuyên truyền 105 buổi, lũy kế thực hiện 745 buổi, bằng 76,4% kế hoạch. Thực hiện chiếu phim lưu động 16 buổi, lũy kế thực hiện 76 buổi, bằng 76% kế hoạch.

- Công tác xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì, tạo nguồn vận động viên cho tuyến tỉnh cũng như bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc. Trong tháng, tổ chức 01 giải thể thao cấp tỉnh “Giải bóng đá thanh niên tỉnh Lào Cai”; lũy kế tổ chức thực hiện 20 giải, đạt 90,9% kế hoạch. Tham gia 06 giải thể thao toàn quốc gồm: Vô địch muay quốc gia đạt 01 HCB, 01 HCĐ; Vô địch cử tạ quốc gia đạt 04 HCV, 05 HCB; Vô địch taekwondo các Câu lạc bộ quốc gia đạt 5 HCV, 5 HCB, 22 HCĐ; Vô địch boxing quốc gia đạt 02 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ; Xe đạp địa hình cự ly ngắn vòng 5 - Cup các CLB quốc gia; Vô địch wushu các đội mạnh quốc gia. Lũy kế tham gia 34 giải thể thao thành tích cao, đạt 103% kế hoạch, với 137 huy chương các loại (61 HCV, 97 HCB, 46 HCĐ).

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập