Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2022

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt

Sau khi kết thúc thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương đang khẩn trương tập trung làm đất, chuẩn bị vật tư phân bón, giống cây trồng để phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2022; đồng thời kiểm tra các công trình thuỷ lợi, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương, tiêu thoát nước do mưa lũ.

Cây lúa mùa: Diện tích gieo cấy ước thực hiện đến ngày 15/7/2022 được 15.322 ha, tăng 2,42% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa mùa ở vùng cao đang phát triển tốt, trà sớm đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, trà chính vụ và muộn ở giai đoạn đẻ nhánh.

Cây nmùa: Tính đến ngày 15/7/2022, toàn tỉnh ước gieo trồng được 15.263 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, ngô mùa sớm ở vùng cao, trà sớm đang trỗ cờ, phun râu; trà muộn đang vươn đốt - xoáy nõn.

Cây rau các loại: Tổng diện tích gieo trồng tính đến ngày 15/7/2022 ước đạt 8.995,92 ha, giảm 20,22% so với cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử sụng đất; sản lượng rau các loại ước đạt 114.118 tấn, giảm 18,50% so với cùng kỳ năm trước.

Cây chè: Tập trung chăm sóc, trồng dặm những diện tích bị chết; chủ động trong việc gieo ươm giống chè cho kế hoạch trồng mới năm, đảm bảo tiêu chuẩn giống trồng cho 860 ha chè theo kế hoạch giao. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 5.330 tấn, lũy kế đạt 24.998 tấn; tình hình tiêu thụ ổn định, giá thu mua chè thường giao động từ 6.000-8.000 đồng/kg, đối với chè chất lượng cao (Kim Tuyên) giá thu mua giao động từ 16.000 -17.000 đồng/kg.

b) Chăn nuôi

Trong tháng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát; công tác phòng, chống dịch bệnh được chủ động, tích cực triển khai thực hiện; dịch tả lợn Châu phi được phát hiện, xử lý kịp thời; công tác tiêm phòng được triển khai đồng bộ trên đàn gia súc, gia cầm. Trong tháng, tiêm phòng 57,2 nghìn liều vắc xin các loại cho gia súc gia cầm, lũy kế đạt 1.517,70 nghìn liều, đạt 51% kế hoạch năm.

1.2. Sản xuất lâm nghiệp

Trồng và chăm sóc rừng: Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch. Diện tích trồng rừng mới tập trung tháng Bảy ước đạt 492 ha; lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 5.423,32 ha, tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 99,5% kế hoạch năm.

Khai thác lâm sản: Sản lượng gỗ khai thác tháng Bảy ước đạt 11.517 m3, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế ước đạt 101.894 m3; sản lượng củi khai thác đạt 32.144 ste, tăng 1,66%, lũy kế đạt 253.323 ste.

Quản lý bảo vệ rừng: Công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản được đẩy mạnh tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng, phát hiện vi phạm 24 vụ; đối tượng vi phạm: Cá nhân 30 người/19vụ; không xác định được người vi phạm 05 vụ; phạt tiền 23 vụ; xử lý hình sự 01 vụ; lâm sản tịch thu 6,906 m3 gỗ các loại; tang vật tịch thu 02 cưa xăng, 02 cá thể khỉ măt đỏ (đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ Hoàng Liên chăm sóc); diện tích rừng bị thiệt hại 1,58 ha. Tiền xử lý vi phạm hành chính trong tháng là 236,45 triệu đồng, lũy kế 1.210,45 triệu đồng.

1.3. Sản xuất thuỷ sản

Hiện nay, các địa phương đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá, tập trung chỉ đạo sản xuất thuỷ sản theo kế hoạch, tăng cường công tác quản lý giống thuỷ sản trên địa bàn; hướng dẫn nhân dân tu sửa, nạo vét ao, khử trùng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh cho việc nuôi thả mới. Ước tính, diện tích thủy sản có đến tháng 7/2022 là 2.530,13 ha; sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng ước đạt 695 tấn, tăng 6,92% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm thủy sản chủ yếu như: cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính và cá nước lạnh gồm cá tầm, cá hồi.

2. Sản xuất công nghiệp  

2.1. Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 năm 2022 tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng cao nhất với mức tăng 14,81%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,67%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,31%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,75%, do một số một số khó khăn như: Không nhập được nguyên liệu đầu vào (than cốc), một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường, vì vậy đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10,12%, làm giảm 3,49 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,71% đóng góp 4,76 điểm phần trăm; ngành điện và phân phối điện tăng 20,32% đóng góp 5,56 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,93% đóng góp 0,14 điểm phần trăm.

Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021 như: Ngành công nghiệp khai thác quặng kim loại tăng 14,67%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,43%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 28,83%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 64,26%; sản xuất kim loại tăng 7,52%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,46%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,32%,... Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ngành khai khoáng khác giảm 35,7%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 31,05%; sản xuất đồ uống giảm 40,21%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 10,29%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 25,74%.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: Quặng sắt tăng 20,77% (+64.702 tấn); quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 13,67% (+8.327 tấn); dứa đóng hộp tăng 465 tấn; sản phẩm ván ép từ gỗ tăng 44,83% (+4.458 m3); phốt pho vàng tăng 28,65% (+20.480 tấn); axit sunfuric tăng 10,02% (+26.272 tấn); sản phẩm axit photphoric tăng 23,41% (+42.029 tấn); sản phẩm photphat (DCP) tăng 11,14% (+3.889 tấn); phân lân nung chảy tăng 41,71% (+17.296 tấn); dược phẩm khác (cao atiso) tăng 64,26% (+19.643 kg); đồng ka tốt tăng 93,12% (+9.149 tấn); cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 86,32% (+44.478 cái); thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít tăng 9,76% (+23.224 cái); điện sản xuất tăng 24,17% (+569 triệu kw); điện thương phẩm tăng 6,53% (+110 triệu kw); nước uống được tăng 2,38% (+224 nghìn m3). Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2021 như: Quặng Apatit giảm 36,29% (-711.221 tấn); tinh bột sắn giảm 53,99% (-18.717 tấn); bia hơi giảm 53,95% (-263 nghìn lít); nước tinh khiết giảm 22,24% (-503 nghìn lít), gỗ cưa hoặc xẻ giảm 91,58% (-5.905 m3); gỗ lạng hoặc bóc giảm 100% (-2.257 m3); gỗ cốp pha giảm 67,52% (-805 m3); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in giảm 10,34% (-2.229 triệu đồng); phân bón NPK giảm 15,92% (-15.512 tấn); phân lân P2O5% giảm 20,99% (-32.866 tấn); phân bón DAP giảm 32,32% (-49.750 tấn); gạch xây dựng giảm 21,47% (-18.154 nghìn viên); bê tông tươi giảm 34,16% (-30.635 m3); xi măng giảm 100% (-15.244 tấn); phôi thép giảm 52,78% (-134.530 tấn),...

3. Thương mại, dịch vụ và giá cả

3.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước đạt 1.786,9 tỷ đồng, tăng 39,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.285 tỷ đồng, tăng 36,37%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 308 tỷ đồng, tăng 79,72%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,91 tỷ đồng, giảm 8%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 191,91 tỷ đồng, tăng 16,14% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.753,26 tỷ đồng, tăng 24,79% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động như sau:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 8.536,99 tỷ đồng, chiếm 72,64% tổng mức và tăng 23,61% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 27,45%; hàng may mặc tăng 4,15%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 15,88%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 6,41%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 28,40%; ô tô các loại tăng 13,57%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) tăng 17,46%; xăng dầu các loại tăng 56,85%; nhiên liệu khác tăng 42,79%; đá quý, kim loại quý tăng 5,41%; hàng hóa khác tăng 9,90%;

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.001 tỷ đồng, chiếm 17,02% tổng mức và tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước, tăng do các cơ sở hoạt động lưu trú và ăn uống hoạt động ổn định, các lễ tiệc được tổ chức tại các nhà hàng tăng, chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch và các Lễ hội được tổ chức sôi động như: Lễ hội đường phố Sa Pa, Lễ hội tình yêu và hoa hồng tại huyện Bắc Hà, Tuần văn hóa Du lịch Bảo Yên,... thu hút được nhiều du khách đến với tỉnh Lào Cai;

- Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 11,97 tỷ đồng, chiếm 0,10% tổng mức và đạt 77,64% so với cùng kỳ năm trước;

- Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.203 tỷ đồng, chiếm 10,24% tổng mức và tăng 12,32% so với cùng kỳ năm 2021.

3.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng giá trị xuất, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu tháng Bảy ước đạt 208,95 triệu USD, tăng 1,71% so với tháng trước và giảm 12,57% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1.246,68 triệu USD, giảm 45,49% so với cùng kỳ và đạt 28,33% kế hoạch năm, trong đó:

- Giá trị xuất khẩu tháng bảy ước đạt 86 triệu USD, giảm 5,59% so với tháng 6/2022 và tăng 65,24% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 594,53 triệu USD, giảm 37,85% so với cùng kỳ và đạt 36,03% kế hoạch năm;

- Giá trị nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 66,30 triệu USD, tăng 13,87% so với tháng trước và tăng 17,10% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đầu năm đạt 334,18 triệu USD, giảm 10,23% so với cùng kỳ và đạt 43,40% kế hoạch năm.

 - Các loại hình (TNTX, KNQ, chuyển CK, Quá cảnh, Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) tháng Bảy ước đạt 56,65 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước và giảm 56,53% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh chung 7 tháng đầu năm ước đạt 317,97 triệu USD, giảm 66,8% so với cùng kỳ và đạt 16,06% kế hoạch năm.

3.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách (HK) tháng Bảy ước đạt 665,26 nghìn HK, tăng 87,75% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 30.301 nghìn HK.Km, tăng 64%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, vận tải hành khách đạt 4.211 nghìn HK, tăng 30,03% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 193.429 nghìn HK.Km, tăng 23,03%.

Vận tải hàng hóa tháng Bảy ước đạt 1.015 nghìn tấn, tăng 48,93% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 46.089 nghìn tấn.km, tăng 67,40%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa đạt 6.603 nghìn tấn, tăng 17,03% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 301.847 nghìn tấn.km, tăng 24,91%.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tháng Bảy ước đạt  đạt 364,3 tỷ đồng, tăng 79,29% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu ước 2.266,4 tỷ đồng, tăng 31,95% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vân tải hành khách đạt 539,7 tỷ đồng; vận tải hàng hóa đạt 1.153,3 tỷ đồng; dịch vụ hỗ trợ vân tải đạt 573,4 tỷ đồng.

3.4. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

CPI trên địa bàn tỉnh Lào Cai tháng Bảy tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4% so với tháng 12 năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI tăng 2,04% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ của tháng Bảy, có 4 nhóm chỉ số ổn định, 4 nhóm chỉ số tăng và 3 nhóm chỉ số giảm so với tháng trước. Nhóm có chỉ số ổn định gồm: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thuốc bị và đồ dùng gia đình; nhóm giáo dục; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (CPI = 100%). Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,41%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,30%. Các nhóm có chỉ số giảm: Nhóm giao thông giảm 2,21%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,19%; nhóm văn, giải trí và du lịch giảm 0,03%.

Các nguyên nhân chính làm CPI tháng bảy tăng là do: (1) Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,41%, làm tăng CPI chung khoảng 0,71 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là do, giá thịt lợn, thịt chế biến, mỡ lợn tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi nguồn cung hạn chế; giá các mặt hàng rau như bắp cải, cà chua, đỗ, xoài tăng do, cuối vụ thu hoạch, sản lượng ít; giá đồ gia vị, sữa, bánh kẹo tăng do, giá tăng từ nhà sản xuất; (2) Giá bia tăng do nhu cầu tiêu thụ mùa hè nắng nóng tăng; giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm, làm chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,05 điểm phần trăm; (3) Giá điện sinh hoạt tăng do sản lượng tiêu dùng tăng làm chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,06%, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,01 điểm phần trăm; (4) Giá một số mặt hàng đồ dùng thiết yếu (xà phòng, nước rửa bát, dầu gội, kem đánh răng) tăng do, giá tăng từ nhà sản xuất, làm cho chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,30%, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,02 điểm phần trăm.

 Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI có các yếu tố làm CPI giảm đó là: (1) Giá một số các mặt hàng rau củ quả như rau muống, khoai tây, măng tươi giảm do, sản lượng cung nhiều, làm hạn chế mức tăng CPI chung; (2) Giá các mặt hàng thép xây dựng giảm do, giá nguyên vật liệu giảm nên giá thành sản xuất giảm; giá gas, dầu hỏa giảm, làm hạn chế mức tăng chung của CPI; (3) Giá xăng dầu giảm mạnh do, Bộ Công Thương điều chỉnh giá, làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,21%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,23%; (4) Các thiết bị điện thoại giảm giá nhiều theo chương trình khuyến mại của cơ sở kinh doanh, làm chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,19%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,01 điểm phần trăm; (5) Giá hoa, cây cảnh giảm do, vào vụ thu hoạch, nguồn cung nhiều, làm chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%, góp phần giảm CPI chung.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng bình quân tháng Bảy là 5.328.338 đồng/chỉ (giảm 1,70%); giá đô la Mỹ bình quân là 23.469 đồng/1 USD (tăng 0,66%) do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.

4. Tai nạn giao thông  

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tháng bảy xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 01 người chết và 3 người bị thương. So với tháng trước, số vụ giảm 50%; số người chết không đổi, số người bị thương giảm 63%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 67%; số người chết không đổi; số người bị thương giảm 70%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 17 người chết và 43 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 8,33%, số người chết tăng 13,33%; số người bị thương tăng 22,86%.

Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người quy định, kiểm tra nồng độ cồn. Trong tháng, đã lập biên bản xử lý 479 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 192 phương tiện các loại, tước 103 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 1,4 tỷ đồng./.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập