Báo cáo phân tích tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023
Bước vào năm 2023, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tuy có những thuận lợi nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí một số nước rơi vào suy thoái… đã tác động mạnh hơn đến các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu, trong đó có nước ta. Đối với tỉnh, các khó khăn trong sản xuất công nghiệp mới giải quyết được một phần; một số quy định, chính sách của Trung ương còn chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, gây khó khăn trong triển khai thực hiện; hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đã được nối lại nhưng còn gặp không ít khó khăn; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập...
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách và giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt an sinh xã hội. Với quyết tâm thực hiện hoàn thành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 07/12/2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2023 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; song song với đó là ban hành các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm.
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong Quí II và 6 tháng đầu năm cơ bản được duy trì: Sản xuất nông nghiệp được triển khai kịp thời, đảm bảo khung thời vụ; công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được tăng cường thực hiện trong mùa hanh khô; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm được quan tâm, đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được đặc biệt chú trọng; chương trình xây dựng nông thôn mới được Nhân dân hưởng ứng tích cực; sản xuất công nghiệp tuy gặp những khó khăn nhất định nhưng tiếp tục được duy trì; hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu của hành khách và hàng hóa của Nhân dân; hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển tốt, không có biến động lớn về giá trước và sau Tết Nguyên đán; các lĩnh vực văn hóa, thông tin được thực hiện tốt; công tác an sinh xã hội được quan tâm; công tác y tế đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh cho người dân; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quí II/2023 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2022, tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 4,65%. (Theo số liệu ước tính được Tổng cục Thống kê công bố tại Văn bản số 873/TCTK-TKQG, ngày 29/5/2023).
Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn
|
Ước tính quý II/2023 (%)
|
Ước tính 6 tháng đầu năm 2023
|
GRDP
|
103,15
|
104,65
|
1. Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản
|
104,67
|
104,95
|
2. Khu vực Công nghiệp và xây dựng
|
97,96
|
101,41
|
Trong đó: Công nghiệp
|
95,48
|
99,82
|
3. Khu vực dịch vụ
|
107,55
|
108,25
|
4. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm
|
100,45
|
101,17
|
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản:
Quí II và 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, trong khi giá bán sản phẩm chưa thực sự ổn định,... Tuy nhiên, với việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nên tốc độ tăng trưởng Quí II ước tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,95% và đóng góp 0,73 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 5,14%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành lâm nghiệp tăng 2,78%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 7,33%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh.
Khu vực công nghiệp và xây dựng
- Về sản xuất công nghiệp: Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong Quí II gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào còn ở mức cao; thiếu nguyên liệu cho sản xuất; một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao,... Tăng trưởng của ngành công nghiệp trong Quý II giảm 4,52% so với Quí II năm trước, làm giảm 1,18 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của tỉnh. Trong đó:
+ Ngành sản xuất và phân phối điện giảm sâu nhất với mức giảm 24,27% so với Quí II năm 2022, làm giảm 2,64 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nắng nóng kéo dài không đủ nguồn nước để đảm bảo công suất phát điện của các nhà máy thủy điện;
+ Trong Quí II năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,41% so với cùng kỳ năm trước làm giảm 0,33 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của tỉnh. Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu cho sản xuất, một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao,...
+ Ngành công nghiệp khai khoáng trong quí II và 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng của ngành này Quí I tăng 25,11%, Quí II tăng 23,90%, so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng tăng 24,46%, đóng góp 1,74 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Chủ yếu do Công ty cổ phần đầu tư Apatit Tam Đỉnh Lào Cai hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngừng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 0,18% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,05 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của tỉnh.
- Hoạt động xây dựng: Hoạt động xây dựng trong Quí II tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm tăng trưởng của ngành xây dựng đạt 7,05%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay. Tăng trưởng của ngành xây dựng 6 tháng đầu năm chủ yếu do đóng góp của hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và chuyên dụng với mức tăng 23,53%, do các cấp, các ngành đã chủ động đôn đốc, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; trong khi hoạt động xây dựng nhà ở giảm 14,08% so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: Tăng trưởng khu vực dịch vụ Quí II tăng 6,78% so với Quí I và tăng 7,55% so với cùng kỳ, đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh trong Quí II.
Tính chung 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng 8,25%, đóng góp 3,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Trong đó, Trong đó: Các ngành dịch vụ hưởng ngân sách nhà nước tăng 3,68%; các ngành dịch vụ sản xuất tăng 10,79%. Trong 6 tháng đầu năm, ngành vận tải có mức tăng trưởng cao nhất với 27,30% chủ yếu tăng ở hoạt động cáp treo; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,95% so với cùng kỳ do khách du lịch đến với Lào Cai tăng cao; ngành thương mại tăng 12,75% so với cùng kỳ,…
Nhìn chung tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quí II và 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ở mức tăng trưởng khá. Khu vực dịch vụ tiếp tục có mức tăng trưởng khá, đóng góp cơ bản trong tăng trưởng chung của tỉnh, nhất là các ngành dịch vụ sản xuất. Sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào còn ở mức cao; thiếu nguyên liệu cho sản xuất; một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao,...
2. Tài chính, ngân hàng
2.1. Tài chính
- Tổng thu ngân sách Nhà nước đến thời điểm 20/6/2023 ước đạt 2.979,65 tỷ đồng, bằng 34,88% dự toán năm; ước thực hiện đến 30/6/2023 đạt 3.580 tỷ đồng, bằng 41,90% dự toán Trung ương giao, bằng 29,8% dự toán tỉnh giao và bằng 78,26% cùng kỳ năm trước. Trong đó:
+ Thu nội địa ước đạt 3.120 tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán tỉnh giao, bằng 83,89% so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thu từ thuế, phí và thu khác ước đạt 2.770 tỷ đồng, bằng 41% dự toán tỉnh giao, bằng 102,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu tiền sử dụng đất ước đạt 350 tỷ đồng, bằng 12,1% dự toán tỉnh giao và bằng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 405 tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán tỉnh giao và bằng 51,35% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế đến hết tháng 6/2023 ước đạt 10.411 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán Trung ương giao, bằng 57,3% dự toán tỉnh giao và tăng 38,15% so với cùng kỳ năm 2022.
2.2. Ngân hàng
- Công tác huy động vốn: Tổng nguồn vốn tín dụng đến 30/6/2023 ước đạt 60.600 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 43.850 tỷ đồng, tăng 6,26% so với 31/12/2022, chiếm 72,4% tổng nguồn, đáp ứng khoảng 83,4% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.
- Hoạt động cho vay: Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 43.500 tỷ đồng, tăng 1,8% so cùng kỳ; doanh số thu nợ ước đạt 41.656 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 51.517 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 11.350 tỷ đồng, chiếm 24% dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại; cho vay doanh nghiệp đạt 16.500 tỷ đồng.
- Chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ khoảng 1,05%, tăng 0,12 điểm % so với năm 2022.
3. Chỉ số giá
Giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh, cùng với giá điện, nước sinh hoạt tăng là các nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá thép, ga và các loại chất đốt khác giảm làm hạn chế tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng.
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,52% so tháng trước và tăng 0,45% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Sáu, có 4 nhóm tăng giá, 2 nhóm giảm giá và 5 nhóm giữ giá ổn định so với tháng trước.
- Nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, (CPI=100).
- Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,69%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; nhóm giao thông tăng 0,12%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23%.
- Nhóm có chỉ số giảm:; Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%;
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Các yếu tố chính làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2023: (1) Nhu cầu tăng mạnh làm giá lương thực, thực phẩm tăng vào những ngày trước và trong dịp Tết Nguyên đán là một trong số các nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá CPI trong 6 tháng đầu năm; (2) Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nước có ga, rượu, bia tăng; (3) Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước. Giá điện, nước sinh hoạt tăng do, sản lượng tiêu thụ tăng; giá gas và các loại chất đốt tăng do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới; (5) Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,90% so với cùng kỳ năm trước, do các cơ sở kinh doanh điều chỉnh giá các mặt hàng điện tử, điện lạnh (tủ lạnh, máy giặt) theo các chương trình khuyến mại; (6) Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước, do giá thuốc tăng từ nhà sản xuất; (7) Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 24,15% so với cùng kỳ năm trước do điều chỉnh học phí; (8) Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,76% so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá các mặt hàng đồ trang sức, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, vệ sinh tăng.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có các yếu tố góp phần làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước như: (1) Giá các mặt hàng quần áo may sẵn và giầy dép giảm 0,14%, do nhu cầu mua sắm của người dân không nhiều, các cơ sở kinh doanh giảm giá bán để thúc đẩy tiêu thụ; (2) Giá xăng, dầu do Bộ Công Thương điều chỉnh 3 kỳ trong tháng, góp phần làm chỉ số nhóm giao thông 6 tháng đầu năm giảm 4,74% so với cùng kỳ năm trước; (3) Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông 6 tháng đầu năm giảm 0,87% so với cùng kỳ năm trước do, giá các thiết bị điện thoại di động giảm theo chương trình khuyến mãi của cơ sở kinh doanh; (4) Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,79% so với quý trước. Nguyên nhân do giá dịch vụ du lịch và một số thiết bị văn hóa giảm.
3.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng bình quân tháng Sáu là 5.595.983 đồng/chỉ (giảm 0,86%); giá đô la Mỹ bình quân là 23.531 đồng/1 USD (tăng 0,09%) do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.
4. Đầu tư và xây dựng
4.1. Đầu tư phát triển
Sáu tháng đầu năm 2023, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các đơn vị, chủ đầu tư do đó công tác giải ngân của tỉnh Lào Cai đã đạt một số kết quả nhất định (thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, đứng thứ 1/14 các tỉnh trung du miền núi phía bắc).
Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành dự ước quí II năm 2023 đạt 6.677,31 tỷ đồng, so với quý trước tăng 10,39%, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,71%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 12.726,18 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,36%. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước đạt 3.805,04 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng vốn và bằng 94,44% so với cùng kỳ; khu vực ngoài Nhà nước đạt 8.920,59 tỷ đồng, chiếm 70,10% và tăng 23,54%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 0,54 tỷ đồng, bằng 0,09% so với cùng kỳ năm 2022. Để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư, tỉnh Lào Cai đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp với quan điểm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và động viên, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu theo đúng quy định. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao là 6.097,98 tỷ đồng; giá trị giải ngân ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 2.321,15 tỷ đồng, bằng 38,06% kế hoạch.
Về tình hình thu hút, đầu tư: Sáu tháng đầu năm 2023, tỉnh Lào Cai không có dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tại thời điểm báo cáo, có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,818 triệu USD; các dự án chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản.
4.2. Hoạt động xây dựng
Hoạt động xây dựng dựng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản duy trì ổn định, các đơn vị thi công, chủ đầu tư chủ động đẩy nhanh thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp đảm bảo tiến độ; hoàn thiện thủ tục hồ sơ để công trình/dự án đã phê duyệt được khởi công đúng theo hợp đồng thi công, nhiều hạng mục công trình sử dụng vốn nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, dân cư đã được triển khai thực hiện.
Công tác quy hoạch xây dựng được quan tâm đẩy mạnh về tiến độ và chất lượng thực hiện các quy hoạch trọng điểm như: Đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); đã hội đàm 2 bên về Cầu Bản Vược - Bá Sái,... ngoài ra các công trình trọng điểm của tỉnh cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công như: Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; Cảng hành không Sa Pa; cầu biên giới qua Sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; cầu Phú Thịnh; cầu Làng Giàng; Cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ và đường tỉnh; Bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn 2; Bệnh viện đa khoa các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà; Trường PTTH chuyên Lào Cai; Trụ sở UBND các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà,...
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
5.1. Tình hình đăng ký kinh doanh
Tháng Sáu, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 63 doanh nghiệp và 06 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký đạt 382,6 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 344 doanh nghiệp và 31 đơn vị trực thuộc, tăng 21,1% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 3.180 tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 387 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ; giải thể 44 doanh nghiệp, tăng 18,9%; hoạt động trở lại 205 doanh nghiệp, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Qua kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2022 cho thấy, có 30,77% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) quý II năm 2023 tốt hơn quý trước; 30,77% DN đánh giá gặp khó khăn và 38,46% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định. Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, có 30,77% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 33,33% số DN dự báo khó khăn hơn và có 35,9% số DN cho rằng tình hình SXKD sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất: có 30,77% số DN đánh giá khối lượng sản xuất quý II năm 2023 tăng so với quý I/2023; 46,15% số do DN đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 23,08% số DN cho rằng ổn định. Về xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 33,33% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 33,33% số DN dự báo giảm và có 33,33% số DN dự báo ổn định; về xu hướng sản xuất 6 tháng tiếp theo so với 6 tháng đầu năm, có 33,33% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 28,21% số DN dự báo giảm và 38,46% số DN dự báo ổn định. Như vậy qua dự kiến sản xuất kinh doanh cho thấy hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã tập trung vào kế hoạch sản xuất trong cuối quý II/2022 và 6 tháng cuối năm, để đảm bảo cho việc tăng cả về số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về tồn kho sản phẩm: Có 10,26% số DN có lượng tồn kho quý II năm 2023 tăng so với quý trước; 38,46% số DN có lượng tồn kho giảm và 51,28% số DN giữ ổn định. Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, chỉ có 7,69% số DN dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 51,28% số DN cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 41,03% số DN dự báo giữ ổn định, như vậy các DN đã tuy đã quyết tâm tìm đầu ra cho sản phẩm sản xuất để ổn định và duy trì quy mô SXKD của DN, nhưng tình hình thực tế vẫn rất khó khăn cho kế hoạch sản xuất của các DN, các nhà máy công nghiệp trong năm 2023.
Về chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm: Có 33,33% số DN khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý II năm 2023 tăng so với quý I/2023; 10,26% số DN cho biết chi phí giảm và 56,41% số DN cho rằng chi phí tương đương quý trước. Xu hướng trong quý III/2023, có 25,64% số DN dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý II/2023; 5,13% số DN cho rằng chi phí giảm và 69,23% số DN dự kiến chi phí sản xuất ổn định. Xu hướng này cho thấy giá nguyên, nhiên vật liệu trong kỳ đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng giá thành sản phẩm công nghiệp.
Về sử dụng lao động, quý II năm 2023 so với quý trước, có 7,69% số DN khẳng định quy mô lao động tăng; 17,95% số DN khẳng định giảm và 74,36% số DN cho biết giữ ổn định lao động. Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, chỉ có 2,56% số DN dự báo quy mô lao động tăng; 92,31% số DN cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động; 5,13% số DN dự báo giảm số lao động hiện có. Về xu hướng 6 tháng tiếp theo so với 6 tháng đầu năm với 7,69% số DN dự kiến quy mô lao động tăng và 82,05% số DN cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động; chỉ có 10,26% số DN dự báo giảm số lao động hiện có.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh: Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến SXKD của DN trong quý II/2023, có 64,1% DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động SXKD của DN; 46,15% DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước; 35,9% DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 25,64% DN cho rằng lãi suất vay vốn cao; 17,95% DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất; còn các nguyên nhân khác thấp chiếm tỷ lệ không quá 15%.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
6.1. Sản xuất nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Cây hàng năm
+ Cây lúa: Diện tích vụ xuân toàn tỉnh ước đạt 9.923,3 ha, tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, lúa trà sớm đang thu hoạch; trà muộn đang ngậm sữa, chắc xanh. Tính đến ngày 15/6/2023, diện tích lúa đã thu hoạch là 6.229 ha, đạt 62,77% diện tích gieo trồng. Năng suất sơ bộ đạt 59,95 tạ/ha, giảm 1,26 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng sơ bộ đạt 59.493,24 tấn, giảm 1,84%. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài gây hạn hán, làm thiệt hại 361,97 ha lúa xuân, trong đó có 108,56 ha mất trắng và 253,41 ha bị ảnh hưởng với mức độ thiệt hại từ 30-70% làm giảm năng suất. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh xảy ra trên cây lúa làm 353 ha lúa bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, bệnh rầy nâu- rầy lưng trắng, bệnh vàng lá sinh lý, Bọ xít dài, sâu đục thân,... Những diện tích bị nhiễm bệnh đã được hướng dẫn phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
+ Cây ngô: Diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 11.656,56 ha, giảm 5,27% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, ngô xuân trà sớm đã cho thu hoạch, trà muộn đang trỗ cờ, phun râu; tính đến ngày 15/6/2023, diện tích đã thu hoạch là 2.865 ha. Sản lượng sơ bộ đạt 44.786,38 tấn, so với cùng kỳ giảm 18,13%; sản lượng giảm chủ yếu do giảm diện tích gieo trồng và diện tích bị mất trắng không được thu hoạch do thời thiết nắng nóng là 1.009,49 ha; diện tích bị ảnh hưởng đến năng suất với mức độ thiệt hại từ 30-70% là 1.177,84 ha.
+ Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 382,34 ha, bằng 87,25% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sơ bộ đạt 2.756,52 tấn, bằng 89,17% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích giảm do sản phẩm đầu ra giá rẻ, hiệu quả kinh tế thấp nên các địa phương không trồng nhiều.
+ Cây lạc: Diện tích gieo trồng đạt 522,6 ha, tăng 38,11% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch ước đạt 354,9 tấn, tăng 43,14%. Cây lạc tăng cả về diện tích và sản lượng do mở rộng diện tích gieo trồng.
+ Rau, đậu các loại: Hiện nay, bà con đang tập trung chăm sóc và thu hoạch cây rau vụ xuân. Diện tích rau các loại vụ đông xuân sơ bộ đạt 7.886,77 ha, tăng 0,91% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng rau các loại ước đạt 105.732,23 tấn, tăng 3,53%.
Cùng với việc thu hoạch cây trồng vụ đông xuân, các địa phương trong tỉnh tiến hành làm đất gieo trồng cây vụ mùa. Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa lũy kế đạt 10.873 ha, bằng 95,54% so với cùng kỳ năm 2022, do thời tiết nắng nóng kéo dài từ giữa tháng Năm và những ngày đầu tháng Sáu gây khô hạn nên diện tích giảm. Hiện nay cây lúa đang sinh trưởng và phát triển, trà sớm đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ; trà sau đang hồi xanh, tuy nhiên do cũng bị ảnh hưởng của hạn hán làm ảnh hưởng đến 97,8 ha lúa mùa, trong đó có 2,5 ha bị chết không khắc phục được. Diện tích ngô vụ mùa sớm ở vùng cao đến nay đã trồng được 14.283,44 ha, tăng 1,23% so với cùng kỳ; trà sớm đang trong giai đoạn trỗ cờ, phát triển bắp, trà sau đang xoáy nõn, trỗ cờ. Do ảnh hưởng của thời tiết diện tích bị thiệt hại là 1.320,02 ha; trong đó, diện tích bị chết không hồi phục được là 872,67 ha.
- Cây lâu năm
+ Cây chuối: Diện tích ước đạt 3.438,55 ha, tăng 6,26% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm sơ bộ đạt 38.918 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,78%, tăng do diện tích cho sản phẩm tăng, mặt khác sản phẩm xuất khẩu ổn định.
+ Cây Dứa: Diện tích ước đạt 2.089 ha, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch đạt 23.754 tấn, tăng 7,23%.
- Cây chè: Diện tích chè hiện có 7.243,74 ha, tăng 11,67% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch ước đạt 24.814,17 tấn, tăng 6,88%. Diện tích chè tăng so với cùng kỳ là do, tỉnh đã đưa một số giống chè Kim Tuyên, Shan, Ô Long vào trồng và mở rộng diện tích chè chất lượng cao.
b) Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xẩy ra; các sản phẩm chăn nuôi (thịt, cá, trứng,...) đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
- Đàn trâu hiện có là 104,41 nghìn con, giảm 2,88% so với cùng kỳ năm trước, giảm do hiện nay nguồn thức ăn và diện tích chăn thả bị thu hẹp, mặt khác cùng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật nên người dân chủ yếu sử dụng cơ giới hóa thay thế sức kéo. Số con xuất chuồng ước đạt 6,14 nghìn con, so với cùng kỳ tăng 0,28 %; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.500 tấn, tăng 2,32%.
- Đàn bò hiện có là 23,22 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,87%. Số con xuất chuồng ước đạt 1,89 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,51%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 354 tấn, tăng 2,02%.
- Đàn lợn hiện có là 391,21 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,82%. Số con xuất chuồng ước đạt 335,78 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,26%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 28.832,17 tấn, tăng 5,97%; trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân đạt 85,87 kg/con. Đàn lợn tăng ở hầu hết các địa phương, sau khi dịch bệnh ổn định, các địa phương tích cực tái đàn trở lại.
- Đàn gia cầm hiện có là 6.885 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,72%; số con xuất chuồng đạt 4.821,28 nghìn con, tăng 6,79%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 10.696 tấn, tăng 7,64%. Trong đó, đàn gà ước có 5.839 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,36%. Sản lượng trứng trong kỳ đạt 32.394,57 nghìn quả, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,2%.
- Tình hình dịch bệnh: Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Sáu tháng đầu năm, triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được được 1.437,48 nghìn liều, tăng 2% so với kế hoạch kỳ I năm 2023[1]. Kiểm dịch gia cầm lũy kế 3,65 nghìn con gia cầm và 14 con ngựa; kiểm soát giết mổ 20,10 nghìn con lợn, 25 con trâu, bò; cấp 12.899 lít hóa chất cho các địa phương thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh.
6.2. Lâm nghiệp
- Tình hình sản xuất: 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất lâm nghiệp ổn định và phát triển; công tác trồng, chăm sóc rừng được quan tâm. Hiện nay nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bền vững từ rừng, đã tạo thành vùng hàng hóa tập trung như: Quế, Trẩu, Bồ Đề, Mỡ, Keo, Thông...; đã hình thành các sản phẩm Lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như ván dán, ván ghép thanh, viên nén mùn cưa,... ngoài ra, còn có nhiều lâm sản ngoài gỗ khác như tinh dầu quế, quế thanh, quế ống điếu, nhựa cánh kiến trắng,...
+ Công tác phát triển rừng: Tháng Sáu, diện tích trồng mới được 107 ha, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã trồng mới được 3.407 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 16,95%, giảm do kế hoạch trồng rừng năm 2023 giảm. Số cây trồng phân tán 6 tháng đầu năm đạt 1.420 nghìn cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Sản lượng gỗ khai thác tháng Sáu đạt 15.680 m3, lũy kế đạt 78.822 m3, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%; sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 27.937 ste, lũy kế đạt 224.226 ste, giảm 5,03% so với cùng kỳ năm trước.
- Quản lý bảo vệ rừng: Tăng cường kiểm tra bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy an toàn; tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động đặc biệt trong những ngày nắng nóng khô hanh kéo dài; từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. 6 tháng đầu năm phát hiện 91 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp[2]. Sáu tháng đầu năm đã xảy ra 15 vụ cháy rừng, thiệt hại 45,79 ha; trong đó, 28,872 ha rừng trồng, 16,92ha rừng tự nhiên.
6.3. Thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì và ổn định, các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá; tập trung chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, tăng cường công tác quản lý giống thuỷ sản trên địa bàn; hướng dẫn nhân dân tu sửa, nạo vét ao, khử trùng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh cho việc nuôi thả mới.
Sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thuỷ sản đạt 5.108 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,01%. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 14,07 tấn, so với cùng kỳ năm trước giảm 5,23%; sản lượng nuôi trồng đạt 5.093,5 tấn, tăng 7,14%; Giống thuỷ sản nội địa ước đạt 15,98 triệu con, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,63%. Sản phẩm thủy sản của tỉnh chủ yếu một số loại cá như: Cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính,... và một số cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi.
7. Sản xuất công nghiệp
- Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 6 năm 2023 tăng 10,97% so với tháng trước; so cùng kỳ năm trước giảm 16,01%. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện giảm mạnh nhất với mức giảm 38,14%, nguyên nhân do nắng nóng kéo dài không đủ nguồn nước để đảm bảo công suất phát điện; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,17%, giảm do thiếu nguyên liệu đầu vào và chưa xử lý dứt điểm việc ảnh hưởng môi trường trong sản xuất; ngành công nghiệp khai khoáng tăng khá cao với mức 20,88% (tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng khác tăng 34,68%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,25% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 1,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 27,62%, đóng góp 5,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,46%, làm giảm 0,53 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm mạnh với mức 23,5%, làm giảm 6,44 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,83%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
[1] trong đó, vắc xin Lở mồm long móng 85.422 liều, đạt 98% KH; vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò 85.422 liều, đạt 98% KH; vắc xin Dịch tả lợn 26.721 liều; vắc xin tụ huyết trùng - vắc xin Phó thương hàn 26.721 liều; vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng - Phó thương hàn 85.622 liều, đạt 98% KH; vắc xin cúm gia cầm 1.060.200 liều, đạt 101% KH; vắc xin dại 67.376 liều, đạt 154% KH.
[2] - Phá rừng 26 vụ; lấn chiểm rừng trái phép 6 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 25 vụ; khai thác rừng trái phép 12 vụ; Tàng trữ, mua bán, chế biến gỗ và lâm sản 12; các vi phạm khác 10 vụ.
Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Ngành công nghiệp khai thác quặng kim loại tăng 12,46%; khai khoáng khác tăng 52,23%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 1,75%; sản xuất kim loại tăng 5,52%; sản xuất đồ uống tăng 69,77%; dệt tăng 19,04%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,57%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 38,46%,... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 97,17%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 71,58%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 30,66%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 34,02%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 46,98%; sản xuất và phân phối điện giảm 23,5%,...
- Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Sáu tháng đầu năm 2023 một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Quặng sắt tăng 15,36%; quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 12,36%; quặng Apatit tăng 52,81%; quặng Felspar tăng 173,16%; sản phẩm nước tinh khiết tăng 19,04%; giấy đế tăng 1,57%; dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in tăng 41,22%; sản phẩm axit sunfuric tăng 12,91%; sản phẩm axit photphoric tăng 18,37%; DCP tăng 11,10%; phân bón NPK tăng 75,15%; phân bón DAP tăng 44,77%; gạch xây dựng tăng 12,34%; đồng ka tốt tăng 10,34%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 100,54%; nước uống được tăng 9,4%. Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Dứa đóng hộp giảm 31,61%; tinh bột sắn giảm 8,05%; chè (trà) nguyên chất giảm 63,63%; ván ép từ gỗ giảm 83,56%; gỗ cốp pha giảm 100%; in khác giảm 46,42%; phốt pho vàng giảm 19,22%; Supe Photphat (P2O5) giảm 14,7%; phân lân nung chảy giảm 37,52%; dược phẩm khác (cao atiso) giảm 70,58%; bê tông tươi giảm 51,48%; vàng chưa gia công giảm 15,15%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít giảm 58,1%; sản phẩm bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và chuyển động giảm 46,98%; điện sản xuất giảm 29,21%; điện thương phẩm giảm 4,93%. Các ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ nguyên nhân do trong kỳ một số DN nghỉ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hoặc chờ tái cơ cấu quy mô DN,... ngoài ra còn do một số yếu tố khách quan (khó khăn trong tiêu thụ - đơn hàng xuất khẩu giảm, thiếu nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, cắt điện luân phiên tại các nhà máy chế biến, ảnh hưởng đến môi trường, thời tiết không có mưa kéo dài,...); một số DN tập trung tiêu thụ hàng tồn kho của kỳ trước hoặc chịu ảnh hưởng bởi sức mua và biến động thất thường của thị trường trong và ngoài tỉnh.
- Chỉ số tiêu thụ sản phẩm: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 6/2023 so với tháng trước bằng 72,88%; so với cùng kỳ năm 2022 bằng 73,48%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo bằng 87,86% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm đã ảnh hưởng giảm chỉ số tiêu thụ chung toàn ngành như: Chế biến thực phẩm giảm 38,69%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 100%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 9,18%; in sao chép bản ghi các loại giảm 46,42%; sản xuất sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 9,68%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 18,24%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 41,94%; sản xuất kim loại giảm 14,05%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 45,46%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 46,98%. Trong kỳ có duy nhất ngành sản xuất đồ uống tăng 20,93%, chủ yếu tăng ở tiêu thụ sản phẩm đồ uống không cồn, nước khoáng, do nhu cầu của khách hàng trong mùa nắng nóng.
- Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/6/2023 dự ước tăng 42,09% so với cùng thời điểm năm 2022; trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 34,22%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 59,04%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 16,49%; sản xuất kim loại tăng 28,36%. Các ngành có chỉ số tồn kho giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 59,13%, sản xuất sản phẩm từ kim loại dúc sẵn giảm 57,08%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng năm 2023 là 78,91%; trong đó, các ngành có tỷ lệ tồn kho khá cao như: Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 95,51%; sản xuất chế biến thực phẩm 484,38%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 734,33%, sản xuất kim loại 194,39%,...
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 6 năm 2023 bằng 99,62% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động trong các DN Nhà nước tăng 0,02%; DN ngoài quốc doanh giảm 0,99%; DN có vốn đầu tư nước ngoài không thay đổi. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng Sáu giảm 2,91%. Chia theo loại hình: DN ngoài Nhà nước giảm 7,98%; DN Nhà nước tăng 0,37%; lao động khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,94%. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,25%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 1,25%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,64%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,88% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu giảm lao động ở ngành chế biến, chế tạo giảm 10,84%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 3,46%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,3%.
8. Thương mại, dịch vụ
8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 ước đạt 2.235,72 tỷ đồng, tăng 24,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.555,31 tỷ đồng, tăng 22,95% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 376,22 tỷ đồng, tăng 27,91%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,56 tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 280,64 tỷ đồng, tăng 18,93% so với cùng kỳ năm 2022.
Quý II năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.504,36 tỷ đồng, tăng 24,83% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 4.595,28 tỷ đồng, tăng 24%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 1.125,28 tỷ đồng, tăng 27,89%; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 736,06 tỷ đồng, tăng 18,72% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 6 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12.736,87 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 8.916,54 tỷ đồng, chiếm 70,01% tổng mức và tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 26,69%; may mặc tăng 22,10%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,08%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 37,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 20,8%; ô tô các loại tăng 44,07%; phương tiện đi lại (trừ ô tô kể cả phụ tùng) tăng 7,88%; xăng dầu các loại tăng 10,71%; nhiên liệu khác tăng (trừ xăng dầu) 36,64%; đá quý, kim loại quý tăng 20,79%; hàng hóa khác tăng 27,11%;
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 2.165,4 tỷ đồng, chiếm 17% tổng mức và tăng 27,91%;
- Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 117,69 tỷ đồng, chiếm 0,92% tổng mức và tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước;
- Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.537,24 tỷ đồng, chiếm 12,07% tổng mức và tăng 18,93% so với cùng kỳ năm 2022.
Sáu tháng đầu năm 2023, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang phục hồi mạnh mẽ và ổn định; tỉnh đã có những chính sách kịp thời, tích cực thực hiện nhiều biện pháp kích cầu, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành có nhiều khởi sắc. Những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội với các chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn: Lễ hội Đền Thượng; Đền Bảo Hà; quần thể văn hóa tâm linh Fansipan; giao lưu văn nghệ; “Lễ hội mùa xuân Sa Pa”, đồng thời các địa phương tổ chức nhiều chương trình ngày hội văn hóa dân gian tại các bản, làng Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội nhảy lửa của người Dao, lễ hội mùa hè; Lễ hội hoa hồng lần thứ 2, Lễ hội đường phố “Mộng mị Sa Pa); Ngày hội văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm luông - năm 2023”, Hội thi ẩm thực “Bảo Yên - Hương vị tìm về”; chợ đêm Bắc Hà, chương trình văn nghệ đậm đà; du lịch cao nguyên trắng Bắc Hà mùa hè năm 2023, sự kiện “Giải đua ngựa truyền thống mở rộng lần thứ 16”, du khách hòa mình vào văn hóa nghệ thuật “Vũ điệu cao nguyên”,... . Rất nhiều lễ hội truyền thống cùng các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn với các ngày nghỉ Lễ kéo dài nên thu hút được nhiều du khách đến với Lào Cai. Do vậy, lượt khách do cơ sở lưu trú và đơn vị lữ hành phục vụ ước tăng 44,62% so với cùng kỳ năm 2022.
8.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 6/2023 ước đạt 192,92 triệu USD, tăng 10,93% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 945,04 triệu USD, giảm 8,94% so với cùng kỳ và đạt 18,9% kế hoạch năm, trong đó:
- Giá trị xuất khẩu tháng 6/2023 ước đạt 95,7 triệu USD, tăng 17,96% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 424,02 triệu USD, giảm 16,63% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 19,72% kế hoạch năm;
- Giá trị nhập khẩu ước đạt 34,25 triệu USD, tăng 2,24% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 209,05 triệu USD, giảm 21,96% so với cùng kỳ và đạt 24,03% kế hoạch năm;
- Các loại hình (TNTX, KNQ, chuyển CK, Quá cảnh, Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) ước đạt 62,97 triệu USD, tăng 5,67% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 311,97 triệu USD, tăng 19,38% so với cùng kỳ 2022, đạt 15,8% kế hoạch năm.
8.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách (HK): Tháng Sáu ước đạt 959 nghìn HK, tăng 51,88% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 47.619 nghìn HK.Km, tăng 63,38%. Ước thực hiện Quý II năm 2023, vận tải HK đạt 3.056 nghìn HK, tăng 61,66% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 146.547 nghìn HK.Km, tăng 70,65%. Tính chung 6 tháng đầu năm năm 2023, vận tải HK đạt 6.171 nghìn HK, tăng 74,04% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 294.075 nghìn HK.Km, tăng 80,27%. Trong đó, vận tải HK đường bộ đạt 6.005 nghìn HK, tăng 80,67%, luân chuyển đạt 294.046 nghìn HK.Km, tăng 80,30% so với cùng kỳ năm 2022.
Vận tải hàng hóa: Tháng Sáu ước đạt 1.283 nghìn tấn, tăng 31,14% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 49.294 nghìn tấn.km, tăng 7,55%. Quý II/2023 vận tải hàng hóa đạt 3.740 nghìn tấn, tăng 28,59%; luân chuyển đạt 143.582 nghìn tấn.km, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa đạt 7.328 nghìn tấn, tăng 31,14% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 275.074 nghìn tấn.km, tăng 7,55%.
Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng Sáu ước đạt 490,94 tỷ đồng, tăng 41,13% so với cùng kỳ 2022; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 194,22 tỷ đồng, doanh thu vân tải hàng hóa đạt 203,83 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 92,89 tỷ đồng. Quý II/2023, tổng doanh thu vận tải đạt 1.489,79 tỷ đồng, tăng 47,44% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 626,05 tỷ đồng, doanh thu vân tải hàng hóa đạt 588,29 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 275,45 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu vận tải đạt 2.881,06 tỷ đồng, tăng 51,47% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 1.269,24 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.123,12 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 488,70 tỷ đồng.
9. Một số vấn đề xã hội
9.1. Lao động, việc làm
a) Lao động
Quý II năm 2023, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản ổn định và phát triển. Lực lượng lao động có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:
- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2023 ước đạt 421,28 nghìn người, tăng 5,7 nghìn người so với quý trước và tăng 17,57 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng cả ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị, (lần lượt là 16,69 nghìn người và 0,88 nghìn người).
- Lao động có việc làm ước tính đến quý II năm 2023 khoảng 415,22 nghìn người. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản là 216,82 nghìn người, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng là 82,01 nghìn người, tăng 7,3%; dịch vụ là 106,40 nghìn người, tăng 3,3%.
- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động quý II năm 2023 ước khoảng 1,95%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,89%, nông thôn là 1,55%.
b) Giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm mới được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm. Tiếp tục lựa chọn, thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố để thông tin đến người dân. Tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, BHTN, BHXH[1].
Tháng 6/2023, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, trong đó, có 755 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm. Lũy kế thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện giải quyết việc làm cho 8.620 lao động, đạt 63,6% kế hoạch năm. Thẩm định, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 211 lượt người; lũy kế giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.045 lượt người[2].
Triển khai có hiệu quả các hoạt động, tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên Đán năm 2023 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
9.2. Giáo dục
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo; đặc biệt là đã tham mưu cho tỉnh kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn; tổ chức kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, nâng cao chất lượng dạy và học, kết quả:
- Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; trẻ từ 6-14 tuổi đạt 99,8%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, GDTX và học nghề đạt 84%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương đạt 80%; trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 66,1%; thành lập và cấp phép hoạt động cho 01 cơ sở giáo dục quốc tế (trường TH, THCS&THPT Quốc tế Canada - Lào Cai);
- Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) và xóa mù chữ được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn (trong đó có: 30/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non 4 tuổi; 152/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non 5 tuổi; 152/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 68/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 3; 151/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2).
- Thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm 2023 có 758 học sinh đạt giải; trong đó, có 35 Giải Nhất, 176 Giải Nhì, 236 Giải Ba và 311 Giải Khuyến khích. Thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, Lào Cai đạt 46 giải; trong đó, 12 Giải Nhì, 17 Giải Ba, 17 Giải Khuyến khích; 03 học sinh đội tuyển Toán, Sinh học, Tin học được lựa chọn tham dự chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia, có 02 dự án tham gia và đạt 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì; đặc biệt, dự án “Ngân hàng máu di động” thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống đã xuất sắc trở thành 1 trong 7 dự án của Việt Nam dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF tại Hoa Kỳ và đạt giải Ba chuyên đề,... Tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học quốc tế dành cho thanh niên năm 2023 tổ chức tại Bali, Indonesia (tham dự thi bằng Tiếng Anh), Viêt Nam có 06 đội tham gia, trong đó tỉnh Lào Cai có 04 đội. Kết quả: đạt 02 giải vàng, 01 giải bạc và 01 giải đồng; tham gia Giải Thể thao học sinh phổ thông toàn quốc năm 2023 với các bộ môn: Bóng đá, cầu lông và điền kinh, đoàn vận động viên Lào Cai đã giành được 2 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng.
9.3. Văn hóa, thể thao
- Lĩnh vực văn hoá: Tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được chú trọng; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh; các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện: Tháng 6, thực hiện 110 buổi tuyên truyền lưu động, lũy kế 6 tháng đầu năm ước thực hiện được 525 buổi, đạt 53,8% kế hoạch năm; tong đó, phục vụ vùng sâu, vùng xa lũy kế 385 buổi, đạt 56,2% kế hoạch năm; chiếu phim lưu động 8 buổi, lũy kế 6 tháng thực hiện 48 buổi, đạt 48% kế hoạch năm. Hoàn thành tham gia 01 sự kiện văn hóa toàn quốc: Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” đạt 02 HCV; 03 HCB.
- Hoạt động thể thao: Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh đã được khôi phục và duy trì tốt, sôi nổi và rộng khắp. Trong tháng 6, các vận động viên tham gia thi đấu 05 giải thể thao; trong đó, có 03 giải trong tỉnh, 02 giải toàn quốc, gia 02 giải thể thao thành tích cao toàn quốc; tham gia giải Vô địch cờ vua các CLB Quốc gia năm 2023, đạt 01 huy chương vàng, 04 huy chương bạc, 05 huy chương đồng và giải Vô địch các lứa tuổi trẻ vật cổ điển, vật tự do Quốc gia, đạt 01 huy chương vàng, 01 huy chương đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm tham gia 11 giải thể thao toàn quốc, dành 43 huy chương các loại, đạt 50,6% kế hoạch năm.
Triển khai thực hiện Kế hoạch đăng cai Giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup năm 2023 tại Lào Cai; “Giải đua xe đạp quốc tế “một đường đua hai quốc gia” Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) năm 2023.
9.4. Y tế
Sáu tháng đầu năm 2023, duy trì thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19, vì vậy dịch bệnh cơ bản ổn định; các chương trình công tác y tế, dân số, công tác bảo đảm ATTP được triển khai theo đúng kế hoạch, các mục tiêu đảm bảo tiến độ đề ra. Duy trì tốt công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chất lượng từng bước được nâng lên.
- Kiểm soát dịch bệnh: Tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; quán triệt thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch, không để bất ngờ, bị động. Duy trì tốt công tác tiêm phòng COVID-19 cho nhân dân: Số mũi được tiêm trong 6 tháng là 31.966, cụ thể: Trẻ từ 5-11 tuổi 230.628 mũi (Mũi 1:118.825, đạt 99,52%; Mũi 2: 111.803, đạt 94,39%); người từ 12-17 tuổi 237.424 mũi (Mũi 1: 86.036, đạt 98,96 %; mũi 2: 84.943, đạt 98,13%; mũi 3: 66.445, đạt 79,95%); người trên 18 tuổi 1.850.342 mũi (Mũi 1: 470.132, đạt 99,86%; Mũi 2 466.613, đạt 99,39%; Mũi 3 (nhắc lại 1) 405.712 mũi, đạt 97,76%; Mũi 4: 246.608 mũi, đạt 99,47%).
- Công tác khám chữa bệnh: Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, một số bệnh như tiêu chảy, quai bị,... xảy ra rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời. Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị kịp thời bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Công suất sử dụng giường bệnh trong kỳ đạt 91,67%, tăng 12,95% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, tại bệnh viện là 92,01%, tại phòng khám đa khoa khu vực là 88,43%.
Tóm lại: Sáu tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản ổn định và phát triển. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển tốt; trong khi sản xuất công nghiệp còn gặp những khó khăn nhất định. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm; các chế độ chính sách, an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, 6 tháng đầu năm 2023 còn một số vướng mắc, khó khăn như: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt thấp; một số chỉ tiêu đạt chưa cao như: Thu ngân sách, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp,... tiến độ xây dựng một số dự án, công trình, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị sản xuất công nghiệp về cơ bản vẫn chưa được tháo gỡ; còn nhiều vướng mắc trong quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường, các dự án đô thị, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều dự án chậm tiến độ; một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ; các đơn vị sản xuất hóa chất, phân bón có sử dụng quặng apatit thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào; tác động của kinh tế thế giới, xung đột Nga-Ukraine gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; giá cả không ổn định; thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2023 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và có những giải pháp tích cực, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp chính như:
1. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đên năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nội ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và sắp xếp dân cư nông thôn.
2. Có các giải pháp tổng thể, toàn diện, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư được triển khai thực hiện đúng tiến độ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, quan trọng, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển, có tính lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh và vùng.
3. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.
4. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.
5. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống./.
[1] Tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, BHTN, BHXH cho 12.316 lượt người/17.500 lượt người, đạt 70,3%KH năm.
[2] Trong đó 14 quyết định hỗ trợ học nghề với tổng số tiền hỗ trợ 64,5 triệu đồng.