1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng Tám, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì và ổn định; các địa phương đã thu hoạch xong cây trồng vụ xuân, đang tập trung chăm sóc cây hàng năm vụ mùa; công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường, các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ trồng rừng năm 2024.
1.1. Sản xuất nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Cây lúa: Diện tích gieo cấy lúa mùa ước thực hiện được 24.226 ha, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa đang phát triển tốt, tại các địa phương vùng cao, trà sớm đang ngậm sữa - chín; trà chính vụ, muộn đang đứng cái - trỗ đòng; riêng diện tích trà cực sớm tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai đã thu hoạch được 1.039 ha; tại các địa phương vùng thấp, trà sớm đang đẻ nhánh rộ - đứng cái, trà chính vụ và trà muộn đang đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.
Do thời tiết nóng ẩm kéo dài, nên tình hình sâu bệnh vẫn xảy ra rải rác trên cây lúa như: Bệnh đạo ôn cổ bông; bệnh rầy nâu - rầy lưng trắng; bệnh khô vằn; bệnh ruồi đục nõn; bệnh nghẹt rễ - vàng lá sinh; bọ xít dài, sâu đục thân, bệnh bạc lá, ốc bươu vàng,... gây hại nhẹ với mật độ và tỷ lệ thấp, phân bố rải rác tại các địa phương. Những diện tích bị nhiễm đã được phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
- Cây ngô: Diện tích gieo trồng ngô vụ mùa ước thực hiện được 21.238 ha, giảm 8,37% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, ngô mùa sớm ở vùng cao: Trà sớm đang phát triển bắp chuẩn bị thu hoạch, trà muộn đang trỗ cờ, phun râu; vùng thấp: Trà sớm đang vươn đốt - xoáy nõn, trà muộn đang gieo trồng.
- Cây rau các loại: Các địa phương đang tập trung làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau đậu các loại vụ mùa. Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 2.739,83 ha, tăng 0,06 so với cùng kỳ năm trước; các loại rau, đậu đang được chăm sóc và phát triển bình thường.
- Cây ăn quả: Các địa phương đang tập trung chăm sóc, thu hoạch một số cây ăn quả như chuối, dứa,...
+ Cây chuối: Đã chuẩn bị đủ giống để trồng 700 ha theo kế hoạch. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 3.543 tấn, lũy kế 8 tháng ước đạt 26.958 tấn, giảm 37,84%; sản phẩm chuối chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, giá bán bình quân ổn định 4.000 - 4.500 đồng/kg.
+ Cây Dứa: Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 6.692 tấn, lũy kế 8 tháng đạt 43.936 tấn, tăng 16,54% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định, giá bán dao động từ 6.000 - 8.000đ/kg.
- Cây chè: Các địa phương đang tiếp tục chăm sóc, làm đất, đào rạch và chuẩn bị đủ chè giống, đảm bảo tiêu chuẩn giống trồng cho 300 ha theo kế hoạch giao. Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 6.135 tấn, lũy kế đạt 39.313 tấn, tăng 6,74% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định, giá thu mua chè thường dao động từ 6.000 - 8.000đ/kg; đối với chè chất lượng cao (Kim Tuyên) giá thu mua giao động từ 16.000 - 17.000đ/kg.
b) Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển tốt; tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình phát triển chăn nuôi, theo dõi sát sao ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi; công tác kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ trên địa bàn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Dự ước đàn trâu hiện có đến tháng Tám là 100,52 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,64%; đàn bò 23,55 nghìn con, tăng 1,22%; đàn lợn 399,47 nghìn con, tăng 1,75%; đàn gia cầm 6.638 nghìn con, tăng 3,44%, trong đó đàn gà là 5.883 nghìn con, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Lâm nghiệp
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng năm 2024; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát ngăn chặn buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng chống cháy rừng.
- Công tác phát triển rừng: Diện tích trồng rừng mới tập trung trong tháng ước đạt 310 ha; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng Tám ước đạt 2.240 ha, tăng 0,81% so với cùng kỳ và đạt 131,76% kế hoạch năm.
- Khai thác lâm sản: Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 8.155 m3, luỹ kế đạt 87.611 m3, tăng 3,30% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 24.730 ste, tăng 0,23% so với cùng kỳ.
- Quản lý, bảo vệ rừng: Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra canh phòng cháy rừng, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng, tổ chức 80 cuộc họp dân tại các thôn (bản) gần rừng, luỹ kế 694 cuộc; tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với 4.506 lượt người dân tham gia, luỹ kế 38.332 lượt người; tổ chức 03 lượt kiểm tra quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các đơn vị, chủ rừng, luỹ kế 111 lượt; tổ chức 10 buổi tuyên truyền lưu động, luỹ kế 238 buổi. Diện tích rừng bị thiệt hại: Không.
1.3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định, các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá, đồng thời quản lý, chăm sóc đàn cá bố mẹ để tiến hành tham gia sinh sản và hướng dẫn Nhân dân tu sửa, nạo vét ao, khử trùng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh cho việc nuôi thả mới. Diện tích thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.677,97 ha; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 790 tấn, tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8/2024 tiếp tục có những chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng khá và tăng ở tất cả các lĩnh vực; tuy nhiên trong sản xuất còn gặp một số khó khăn nhất định như: Ảnh hưởng của tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu cao hoặc không đảm bảo chất lượng, giá bán một số sản phẩm giảm; một số nhà máy tạm dừng để bảo trì[1]; một số dự án vẫn dừng chưa đi vào hoạt động sản xuất hoặc chậm tiến độ[2]; hàng tồn kho của một số ngành sản xuất công nghiệp chính còn ở mức cao,...
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Tám trên địa bàn tỉnh ước tính tăng khá so với cùng kỳ năm trước, tăng 14,72%. Trong đó, tăng mạnh nhất là ngành công nghiệp khai khoáng tăng 47,10%, tăng chủ yếu ở ngành khai thác quặng Apatit, do đơn vị tăng đơn hàng trong kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,10%, do trong kỳ có nhiều đợt mưa lớn, đảm bảo cung cấp đủ nước cho các hồ chứa duy trì đủ công suất phát điện; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,77%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh tăng 12,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,47%, đóng góp 3,46 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,05%, đóng góp 3,13 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 20,53%, đóng góp 5,62 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn bộ ngành công nghiệp.
1 Công ty Cổ phần hoá chất Đức giang Lào Cai; Công ty TNHH MTV Apromaco Lào Cai, các nhà máy sản xuất phốt pho vàng (nguyên liệu đầu vào quặng Apatit kém về chất lượng; nguồn than cốc thiếu,…); Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai tạm dừng luân phiên một số bộ phận để duy tu bảo dưỡng,…
[2] Công ty Cổ phần LaViTa; Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy vẫn dừng hoạt động; Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt - Trung tuy đã kiểm tu toàn bộ dây chuyền thiết bị Nhà máy Gang thép, dây chuyền thiết bị mỏ sắt Quý Xa đã thực hiện được khoảng 90% khối lượng các hạng mục công việc nhưng chưa thể đi vào hoạt động; Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời dừng hoạt động >20 ngày để sửa chữa, đại tu máy móc thiết bị; mỏ Graphit Bảo Hà (huyện Bảo Yên) với trữ lượng khoảng 3,1 triệu tấn, đã được cấp phép nhưng doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Khoáng sản Sông Đà Lào Cai) chưa hoạt động sản xuất,…
Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Ngành khai thác quặng kim loại tăng 12,10%; khai khoáng khác tăng 4,87%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 74,06%; sản xuất đồ uống tăng 25,44%; dệt tăng 92,68%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 27,85%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,45%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 192,02%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 19,81%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,63%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,53%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,78%. Các ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 80,86%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 72,27%; sản xuất kim loại giảm 12,86%.
2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Tám tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước như: Quặng sắt tăng 28,68%; quặng đồng tăng 11,37%; Quặng Apatit tăng 5,18%; tinh bột sắn tăng 139,97%; nước tinh khiết tăng 17,19%; dịch vụ sản xuất các hàng dệt khác chưa được phân vào đâu tăng 92,68%; ván ép từ gỗ tăng 28,79%; in khác tăng 27,44%; phốt pho vàng tăng 8,40%; axit sunfuric tăng 12,44%; axit photphoric tăng 3,41%; DCP tăng 30,59%; phân bón DAP tăng 32,03%; phân lân nung chảy tăng 196,65%; dược phẩm khác (cao atiso) tăng 192,02%; bê tông tươi tăng 41,50%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít tăng 67,38%; điện sản xuất tăng 27,90%; nước uống được tăng 3,78%. Tuy nhiên, trong kỳ cũng có một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ như: Quặng Felspar giảm 17,99%; dứa đóng hộp giảm 64,34%; gỗ xẻ giảm 90,48%; giấy đế giảm 80,86%; dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in giảm 73,62%; Supe Photphat (P2O5) giảm 20,46%; phân bón NPK giảm 12,68%; gạch xây dựng giảm 4,87%; vàng chưa gia công giảm 6,51%; đồng ka tốt giảm 14,14%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 59,39%; điện thương phẩm giảm 4,28%.
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 năm 2024 tăng 0,17% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước tăng 0,45%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 0,11%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ổn định.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng Tám tăng 3,96%. Chia theo loại hình: Doanh nghiệp nhà nước tăng 2,78%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 6,68%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định. Chia theo ngành công nghiệp: Ngành khai khoáng tăng 3,28%; chế biến, chế tạo tăng 7,26%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,13%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tình hình lao động ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 2,97% so với cùng kỳ; trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,11%; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,63%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 4,8%.
3. Vốn đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai tháng Tám ước đạt 530,49 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 16,87%, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,22%. Tính chung 8 tháng năm 2024 tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 3.115,33 tỷ đồng, giảm 5,48% so với cùng kỳ năm trước và đạt 47,91% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.714,94 tỷ đồng, giảm 9,41% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,05% tổng nguồn vốn; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.400,39 tỷ đồng, tăng 0,18% và chiếm 49,95% tổng nguồn vốn.
Vốn đầu tư thực hiện 8 tháng năm 2024 giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do Kế hoạch vốn được giao năm 2024 giảm. Để giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo kế hoạch (03 Chương trình mục tiêu quốc gia); tập trung triển khai các công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ngân sách như: Dự án hạ tầng kỹ thuật tiểu khu đô thị số 15; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 151B đoạn Nậm Tha Phong Dụ Hạ (Km 47- km 50 + 890); dự án Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 161 cũ đoạn km 7 + 350 (Tỉnh lộ 157) - Km 5 + 031 (đường Phố Mới - Bảo Hà), huyện Bảo Thắng; dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 151 B đoạn Chiềng Ken - Nậm Tha (Km 23 - Km 47); cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 152 B đoạn Thanh Phú - Nậm Cang (Km 0 - Km 13); cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 153 đoạn Bản Liền - Nghĩa Đô (Km 48 - Km 72); Dự án Nâng cấp tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát) đoạn từ cầu Quang Kim đến nút giao với đường BV32 và BV28 và san gạt mặt bằng 2 bên đường với chiều sâu 50m; 02 Dự án hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp Tằng Loỏng - Giai đoạn 2; Kè sông Hồng, di dân tái định cư khu vực Cánh Chín, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai (đoạn từ cầu Phố Mới đến xã Vạn Hòa); dự án hạ tầng giao thông nội thị ưu tiên cấp bách để vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu - Đường D2 kéo dài xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai; dự án Cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Đông Phố Mới; dự án san gạt mặt bằng hai bên tuyến đường D1 đoạn từ Km 0 + 750 (nút giao đường B1) - Km 9 + 353 (nút giao đại lộ Trần Hưng Đạo); dự án Hạ tầng kỹ thuật phía sau trụ sở khối II,…
Đặc biệt tỉnh đã chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư: Nhà ở xã hội tại khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, với tổng mức đầu tư 2.085 tỷ đồng; nhà ở xã hội tại xã Vạn Hoà, với tổng mức đầu tư 562 tỷ đồng; nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối Musa Golden, với tổng mức đầu tư 386 tỷ đồng; khu nhà ở thương mại tại lõi đất sau khu dân cư các đường Hoàng Liên, Lý Công Uẩn, Nguyễn Du, với tổng mức đầu tư 51,4 tỷ đồng; khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Võ Lao, với tổng mức đầu tư 22,3 tỷ đồng; đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng; chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn, với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng…
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tháng Tám, trên địa bàn tỉnh thời tiết mưa, bão kéo dài đã ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Mặc dù trong tháng diễn ra Lễ hội Đền Bảo Hà năm 2024, Lễ hội Đền Long Khánh, Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024, đặc biệt hệ thông cáp treo Fansipan có chương trình giảm 50% giá vé cho 9 tỉnh Tây Bắc mở rộng để thu hút khách du lịch, nhưng lượng khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm giảm so với tháng trước. Về cung cầu hàng hóa tăng so với tháng trước và tăng chủ yếu ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho ngày Rằm tháng Bảy của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nhìn chung giảm so với tháng trước nhưng vẫn giữ mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 2.707,39 tỷ đồng, tăng 16,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.801,93 tỷ đồng, tăng 12,77%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 520,57 tỷ đồng, tăng 30,95%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26,80 tỷ đồng, tăng 9,57%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 358,09 tỷ đồng, tăng 18,52% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 20.715,86 tỷ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động như sau:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 14.120,82 tỷ đồng, chiếm 68,16% tổng mức và tăng 16,81% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm ngành hàng đều giữ mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 26,05%; hàng may mặc tăng 16,50%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,82; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 43%; ô tô các loại tăng 22,84%; xăng dầu các loại tăng 18,93%; nhiên liệu khác tăng 26,68%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 27,11%; hàng hóa khác tăng 26,28%. Riêng nhóm ngành hàng gỗ và vật liệu xây dựng giảm 12,09%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 8,96% so với cùng kỳ năm trước;
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.805,21 tỷ đồng, chiếm 18,37% tổng mức và tăng 26,29% so với cùng kỳ năm trước, tăng do trong kỳ trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, các sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn du khách, bên cạnh đó tỉnh đã thực hiện tốt công tác quảng bá, kích cầu du lịch vì vậy đã thu hút được nhiều du khách đến với Lào Cai kéo theo các dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng;
- Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 201,83 tỷ đồng, chiếm 0,98% tổng mức và tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước;
- Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 2.587,99 tỷ đồng, chiếm 12,49% tổng mức và tăng 20,02% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Trong tháng, hoạt động xuất, nhập khẩu tương đối ổn định; tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng ùn tắc. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống như gỗ ván bóc, sắn khô, trái cây tươi (thanh long, mít, chuối tươi và sầu riêng); hàng nhập khẩu chủ yếu là than cốc, phân bón, rau củ quả, cây cảnh, hóa chất, thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 580-600 phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn duy trì với 04 - 06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh, quặng sắt quá cảnh và phân bón nhập khẩu.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng Tám ước đạt 367,19 triệu USD, tăng 12,48% so với tháng trước, tăng 115,41% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đạt 2.271,63 triệu USD, tăng 71,65% so với cùng kỳ và đạt 50,48% kế hoạch năm, trong đó:
- Giá trị xuất khẩu ước đạt 235,89 triệu USD, tăng 35,05% so với tháng trước và gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế ước đạt 1.346,70 triệu USD, tăng 131,06% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 70,88% kế hoạch năm;
- Giá trị nhập khẩu ước đạt 64,50 triệu USD, giảm 11,07% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,90%; lũy kế ước đạt 480,13 triệu USD, tăng 43,11% so với cùng kỳ, đạt 40,01% kế hoạch năm;
- Các loại hình (Tạm nhập tái xuất, KNQ, chuyển cửa khẩu, Quá cảnh, Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) ước đạt 66,80 triệu USD, giảm 4,65% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,82%; lũy kế ước đạt 440,8 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt 31,77% kế hoạch năm.
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Giá xăng dầu cùng với giá điện sinh hoạt giảm là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám giảm 0,13% so với tháng trước. So với tháng Mười hai năm trước, CPI tháng Tám tăng 1,51%; so với cùng kỳ năm trước tăng 1,50%. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 1,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Lào Cai tháng Tám giảm 0,13% so với tháng trước và tăng 1,50% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Tám, có 6 nhóm giữ giá ổn định, 2 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá so với tháng trước.
+ Các nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch (CPI=100).
+ Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,01%. Các nguyên nhân chính làm CPI tháng 8 tăng là do: (1) Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm, trong đó: Lương thực tăng 0,01%; thực phẩm tăng 0,23%; (2) Chỉ số giá đồ uống và thuốc lá tăng 0,01%, chủ yếu do mặt hàng nước giải khát có ga tăng giá từ nhà sản xuất.
+ Các nhóm có chỉ số giảm: Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%; nhóm giao thông giảm 1,58%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm giảm 0,04%. Các yếu tố chính làm CPI tháng 8 giảm là do: (1) Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%, do các cơ sở kinh doanh thay đổi giá theo chương trình kinh doanh, trong đó giá nước rửa bát và nước cọ sản giảm 1,96%, kem đáng răng tăng 0,32%; (2) Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 1,58%, đóng góp vào mức giảm CPI chung khoảng 0,17 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng của Bộ Công Thương theo thị trường trong nước và quốc tế, cụ thể: trong tháng giá dầu diezen giảm 6,95%, giá xăng giảm 5,80%; (3) Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%, do cơ sở giảm giá các mặt hàng trang sức với mẫu mã cũ.
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm 2024 tăng 1,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Các yếu tố làm tăng CPI gồm: (1) Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,28%, do giá dịch vụ y tế tăng theo thông tư mới của Bộ Y tế; (2) Giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,37%, chủ yếu do giá các mặt hàng đồ trang sức và dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng theo ảnh hưởng của giá vàng và nhu cầu tiêu dùng của người dân; (3) Giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,81%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,18%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03%, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng; (4) Giá nhóm giao thông tăng 1,29% theo các đợt điều chỉnh giá của Bộ Công Thương dưới sự ảnh hưởng của thị trường trong nước và quốc tế; (5) Nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 1,89%, do giá các mặt hàng xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào; (6) Giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,32%, do phí truyền hình, internet và các mặt hàng hoa, cây cảnh tăng. Bên cạnh đó, các nguyên nhân làm giảm CPI trong 8 tháng đầu năm 2024 gồm (1) Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,22%, do giá điện thoại thế hệ cũ giảm; (2) Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,14%, do các chương trình khuyến mãi của cơ sở kinh doanh; (3) Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 7,85%, do các cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí theo Quyết định mới của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng bình quân tháng Tám là 7.604.849 đồng/chỉ, tăng 1,47% so với tháng trước, do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới; Giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.327 VND/USD, chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng giảm 0,53% so với tháng trước.
4.4. Hoạt động vận tải
a) Vận tải hành khách
Tháng Tám, vận tải hành khách ước đạt 1.083 nghìn HK, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 58.466 nghìn HK.Km, tăng 2,86%. Tính chung 8 tháng năm 2024, vận tải hành khách đạt 8.788 nghìn HK, tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 473.134 nghìn HK.Km, tăng 2,53%. Mặc dù tỉnh đã thực hiện tốt các biện pháp kích cầu du lịch và triển khai các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng,... tuy nhiên trong kỳ hoạt động vận tải hành khách bằng cáp treo tạm ngừng hoạt động một tháng để bảo trì hệ thống vì vậy kết quả hoạt động vận tải hành khách đạt chưa cao.
b) Vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh tháng Tám ước đạt 1.480 nghìn tấn, tăng 20,72% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 52.992 nghìn tấn.km, tăng 9,69%. Tính chung 8 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 11.720 nghìn tấn, tăng 18,78% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 420.979 nghìn tấn.km, tăng 12,37%. Vận tải hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ là do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, quặng và hàng hóa xuất nhập khẩu tăng.
c) Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tháng Tám ước đạt 573,52 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,04%. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 240,18 tỷ đồng, tăng 27,74%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 234,52 tỷ đồng, tăng 17,34%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 98,82 tỷ đồng, tăng 5,25%. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 4.406,64 tỷ đồng, tăng 11,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 1.839,34 tỷ đồng, tăng 9,65% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.849,78 tỷ đồng, tăng 20,83%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 717,52 tỷ đồng, giảm 2,51% so với cùng kỳ năm 2023.
5. Một số vấn đề xã hội
5.1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, BHTN, BHXH. Trong tháng đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm, lũy kế 8 tháng đầu năm tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm, tuyên truyền chính sách lao động, việc làm cho 15.524 lượt người, tiếp nhận đăng ký tuyển dụng của 238 đơn vị với nhu cầu 6.333 lao động; kết nối việc làm cho 595 người, đạt 77,8% kế hoạch năm, tăng 77,1% so với cùng kỳ năm 2023.
- Các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được thực hiện. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả, trong tháng Tám, đã có 16 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; luỹ kế có 171 lao động xuất cảnh, đạt 85,5% kế hoạch năm[1], nâng tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài lên 782 người.
- Trong tháng, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 1.582 người; luỹ kế đã tuyển sinh và đào tạo 7.594 người, đạt 63% kế hoạch năm (trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 1.080 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 6.514 người).
- Công tác giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm. Trong tháng, đã giải quyết việc làm cho 1.047 lao động, trong đó 301 lao động được hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; lũy kế 8 tháng năm 2024 tạo việc làm cho 11.851 người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 81,8% kế hoạch.
- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Tính đến ngày 15/8/2024 toàn tỉnh có 61.737 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023; 9.709 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10%; 53.676 người tham gia BHTN, tăng 1%. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trong tháng là 186.111 triệu đồng, lũy kế 1.344.741 triệu đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là 207.605 triệu đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Việc chi trả, giải quyết các chế độ BHXH đảm bảo đúng, đủ, kịp thời[2].
5.2. Lĩnh vực y tế
a) Công tác phòng, chống dịch bệnh
- Quản lý chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lưu hành địa phương; phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lan rộng. Trong tháng ghi nhận 19 ca mắc Covid-19. Tiêm vắc xin phòng dại cho 248 người, lũy kế 1.822 người; tiêm huyết thanh dại cho 45 người, lũy kế 330 người.
- Khám sàng lọc, điều tra bệnh Lao 1.125 người, lũy kế: 9.071 người, đạt 111,7% kế hoạch năm; Bệnh nhân lao các thể phát hiện 27 bệnh nhân, lũy kế: 212 bệnh nhân, bệnh nhân điều trị khỏi đạt 95%.
- Tiêm chủng mở rộng: Tổng số trẻ được tiêm chủng đầy đủ 1.490 trẻ, lũy kế 6.885 trẻ, đạt 59,2% kế hoạch năm; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 479 người, lũy kế 5.877 người, đạt 50,5% kế hoạch; tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh 842 trẻ, lũy kế 6.435 trẻ, đạt 95,5%; công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến.
b) Công tác khám chữa bệnh
- Duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Duy trì hợp tác y tế với các bệnh viện tuyến trên theo các chương trình đã ký kết; tiếp tục các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh từ xa. Triển khai hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân phiên cán bộ chuyên môn cho tuyến dưới; tiếp nhận, triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật vượt tuyến.
- Thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện tốt các quy định về y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Tổng số lượt khám bệnh, khám kiểm tra sức khoẻ là 147.664 lượt; khám chữa bệnh BHYT 67.751 lượt; công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 109,97% (bệnh viện tuyến tỉnh, huyện: 111,08%; phòng khám ĐKKV 99,28%).
c) Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP)
- Kiểm tra 226 cơ sở thực phẩm, 221 cơ sở đạt, chiếm 97,8%, xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở. Test nhanh 649 mẫu, 647 mẫu đạt, 02 mẫu không đạt do phát hiện rau dương tính với thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm nghiệm Labo 37 mẫu nước, đá và thực phẩm các loại, 15/15 mẫu đạt, 22 mẫu chưa có kết quả.
- Tiếp nhận 361 hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm; cấp 57 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
- Trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm cấp tính nào.
5.3. Lĩnh vực giáo dục
Trong tháng, công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, tỉnh đã ban hành các Văn bản hướng dẫn, Kế hoạch, Nghị quyết, Quyết định như: Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2024 - 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 05/7/2024); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh phê duyệt phương án xét công nhận tốt nghiệp THCS và kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 24/4/2004 phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 và bổ sung danh mục sách giáo khoa cấp tiểu học và THPT chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ năm học 2024 - 2025,… Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng để đảm bảo sách giáo khoa cho học sinh, đồng thời huy động các nguồn sách giáo khoa cũ còn sử dụng được, các nguồn tài trợ,... để bổ sung nguồn sách cho học sinh.
Tổ chức cho học sinh tham gia: Trại hè Hùng Vương lần thứ XVIII tổ chức tại tỉnh Hòa Bình, Lào Cai có 56 thí sinh đạt huy chương (13 HCV, 30 HCB, 13 HCĐ), xếp thứ 4 về tổng số huy chương Vàng đạt được. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, năm 2024, đoàn Lào Cai có 210 vận động viên tham gia thi đấu ở 12 bộ môn, giành tổng số 1.695 điểm, xếp 17/63 đoàn, đoạt 7 HCV, 21 HCB, 46 HCĐ sau 2 giai đoạn, xếp thứ 35/63 đoàn. Tham gia Cuộc thi "Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực và lao động trẻ em" cấp Quốc gia năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu, tỉnh Lào Cai có 15 bài gửi dự thi, kết quả đạt 01 giải Nhì và 01 giải Chuyên đề triển vọng. Tại cuộc thi Yoshine Music Festival 2024, Em Nguyễn Linh Đan, học sinh trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai đã xuất sắc đạt tấm Huy chương Vàng toàn khu vực miền Bắc, bước vào vòng chung kết và xuất sắc đạt Huy chương Bạc toàn quốc; đây là sân chơi tìm kiếm tài năng âm nhạc uy tín được Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và Viện khoa học giáo dục Yoshine đồng phối hợp tổ chức.
5.4. Văn hóa, thể thao
- Lĩnh vực văn hoá: Các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện. Trong tháng, các đội tuyên truyền lưu động thực hiện tuyên truyền 85 buổi, lũy kế thực hiện 585 buổi, đạt 60% kế hoạch năm; trong đó, phục vụ vùng sâu, vùng xa 85 buổi, lũy kế thực hiện 473 buổi, đạt 69% kế hoạch; thực hiện chiếu phim lưu động 16 buổi, lũy kế thực hiện 76 buổi, đạt 76% kế hoạch.
Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Thực hiện tập luyện, xây dựng 8 tiết mục mới, đạt 53,3% kế hoạch năm; phục vụ cơ sở, nhiệm vụ chính trị 60 buổi, đạt 85,7% kế hoạch; biểu diễn phục vụ chương trình “Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người”; tập luyện, dàn dựng chương trình tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
- Hoạt động thể thao: Trong tháng, tổ chức 02 giải thể thao cấp tỉnh theo kế hoạch (Vô địch futsal và Vô địch cầu lông); lũy kế tổ chức 18 giải, bằng 81,8% kế hoạch năm. Trong tháng tham gia 08 giải thể thao toàn quốc gồm: Giải Vô địch kickboxing trẻ đạt 02 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ; Vô địch trẻ boxing quốc gia đạt 4 HCV, 01 HCĐ; Vô địch silat trẻ đạt 02 HCB, 01 HCĐ; Vô địch cờ vua các câu lạc bộ đạt 01 HCV, 02 HCB, 05 HCĐ; Cầu lông các cây vợt xuất sắc toàn quốc đạt 01 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ; Vô địch muay trẻ đạt 01 HCB, 01 HCĐ; Vô địch wushu trẻ đạt 01 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ; Vô địch bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng đạt 01 HCĐ. Lũy kế tham gia 33 giải thể thao thành tích cao, đạt 103% kế hoạch, với 69 huy chương các loại (37 HCV, 17 HCB, 17 HCĐ).
Công tác xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì nhằm tạo nguồn vận động viên cho tuyến tỉnh cũng như bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc./.
[1] trong đó nữ: 62 người, cụ thể: Nhật Bản: 70 lao động; Đài Loan: 86 lao động; Hàn Quốc: 17 lao động, các thị trường khác: 02 lao động
[2] Trong tháng cơ quan BHXH đã tiếp nhận 676 hồ sơ, lũy kế 4.347 hồ sơ hưởng chế độ BHXH hàng tháng; 1.041 hồ sơ thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, lũy kế 9.734 hồ sơ.