Phân tích và dự báo thống kê trên địa bàn tỉnh Lào Cai thực trạng và giải pháp

Phân tích và dự báo thống kê là một trong những công tác có vai trò quan trọng để phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành trên phạm vi cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Bên cạnh đó việc phân tích và dự báo thống kê còn cung cấp thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, tổ chức.

Trong điều kiện mở cửa, hội nhập như hiện nay, các tác động bên ngoài diễn biến nhanh, khó lường, việc phân tích dự báo có ý nghĩa về hai mặt. Một mặt, trên cơ sở phân tích dự báo tốt, việc chỉ đạo, điều hành sẽ không bị động, sẽ giảm bớt những biện pháp tình thế. Mặt khác phân tích dự báo tốt cũng giúp cho việc chỉ đạo, điều hành vừa vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế xã hội, vừa khắc phục được tác động mỗi khi tình hình có thay đổi.

Đối với tỉnh Lào Cai từ khi tái lập (1991) đến nay, công tác phân tích dự báo thống kê trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. Việc phân tích dự báo thống kê đã góp phần quan trọng trong việc xác định mục tiêu chiến lược trong các thời kỳ (1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020) và các kế hoạch 5 năm, hàng năm của địa phương. Việc phân tích dự báo đã góp phần vào việc lựa chọn và chuyển đổi mục tiêu ưu tiên khi có những biến động lớn tác động vào địa phương. Nội dung dự báo được đề cập trên một số lĩnh vực chủ yếu sau đây:

- Đối với các chỉ tiêu dự báo ngắn hạn: Tập trung vào việc phân tích, mô tả và dự báo các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp (quy mô diện tích gieo trồng và sản lượng một số cây trồng chủ yếu, qui mô tổng đàn gia súc, gia cầm…), các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp tập trung dự báo về kết quả sản xuất công nghiệp theo ngành cấp II, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu thụ, chỉ số hàng tồn kho theo tháng, theo năm. Đối với các chỉ tiêu thương mại dịch vụ (tổng mức lưu chuyển, doanh thu xuất nhập khẩu…) và chỉ tiêu tổng hợp (GDP) dự báo theo quý, 6 tháng và theo năm. 

- Đối với các chỉ tiêu dự báo dài hạn: Tập trung đánh giá phân tích và dự báo tổng sản lượng lương thực, qui mô tổng đàn gia súc, gia cầm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, qui mô dân số, mức độ tăng trưởng GDP…

Tùy theo nội dung từng chỉ tiêu để sử dụng phương pháp phân tích và dự báo phù hợp nhưng phương pháp chủ yếu được sử dụng tại Cục Thống kê Lào Cai là  phương pháp mô tả và phương pháp phân tích nguyên nhân. Đối với các chỉ tiêu dự báo ngắn hạn trên cơ sở đặc điểm sản xuất hiện tại, các điều kiện tự nhiên, xã hội đang tác động trong năm được mô tả để đưa ra phân tích dự báo. Đối với các chỉ tiêu dự báo dài hạn trên cơ sở phân tích đánh giá kết quả đạt được của thời kì, nguồn lực hiện có và xu thế tăng giảm theo dãy số liệu của hiện tượng để dự báo xu hướng vận động của hiện tượng trong thời gian tới.

            Cách thức tổng hợp phân tích dự báo do các phòng nghiệp vụ chuyên ngành (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dân số) đảm nhiệm nội dung thuộc phạm vi của mình,  phòng Thống kê Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp chung các chỉ tiêu chủ yếu của các chuyên ngành đồng thời thực hiện phân tích dự báo phần kinh tế xã hội chung của cả tỉnh.

            Có thể nói công tác phân tích dự báo thống kê trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu tổng hợp, phân tích của Tổng cục Thống kê cũng như của các cấp chính quyền địa phương, song chất lượng phân tích dự báo một số chỉ tiêu còn có sự sai số nhiều do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

            Thứ nhất, các kênh thông tin thu thập từ hệ thống thống kê cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ (báo cáo thiếu thông tin, chậm thời gian hoặc không thống nhất về nội dung chỉ tiêu…), thậm chí có lúc có nơi việc chấp hành chế độ báo cáo thông kê còn chưa nghiêm túc.

            Thứ hai, chất lượng một số cuộc điều tra thống kê định kì phục vụ cho việc tổng hợp phân tích và dự báo chưa đảm bảo (điều tra năng suất sản lượng, điều tra chăn nuôi, điều tra giá, điều tra công nghiêp, xây dựng…). Nguyên nhân do điều tra viên khu vực miền núi trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu, việc phỏng vấn ghi phiếu điều tra còn có tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm do đó thông tin đầu vào chưa chuẩn xác dẫn đến việc phân tích dự báo ảnh hưởng.

            Thứ ba, lực lượng cán bộ Thống kê đặc biệt đối với các vị trí việc làm phân tích dự báo có một số chưa được đào tạo bài bản (số cán bộ học trái ngành thống kê), một mặt lực lượng này còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý phân tích và dự báo nên ảnh hưởng đến chất lượng dự báo thống kê. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ trong hệ thống thông kê tập trung ít, khối lượng công việc chiếm nhiều thời gian nên không có điều kiện đầu tư đi thực tế để kết hợp quan sát các thông tin tác động đến hiện tượng nghiên cứu phục vụ cho phân tích dự báo.

            Thứ tư, Lào Cai là một tỉnh có cửa khẩu quốc tế, các thông tin về thị trường, các sản phẩm sản xuất bị chi phối rất nhiều do tác động của sản phẩm hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc vì vậy tính ổn định thấp dẫn đến việc phân tích dự báo dễ xảy ra sai số lớn.  

            Từ các nguyên nhân trên để khắc phục tình trạng sai số lớn, đồng thời nâng cao chất lượng trong công tác phân tích dự báo thống kê cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

            Một là, triển khai tích cực có hiệu quả đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, đặc biệt thống nhất nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về thống kê ở các địa phương. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thống kê cơ sở.

Hai là, tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng số liệu đầu vào của các cuộc điều tra thống kê định kỳ. Chú trọng tất cả các khâu công việc trong quá trình tổ chức thực hiện điều tra.

Ba là, Tổ chức đào tạo, tập huấn kĩ năng và phổ biến kinh nghiệm phân tích dự báo thống kê cho lực lượng cán bộ thống kê không chỉ ở các phòng nghiệp vụ của Cục mà cả cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê tổng hợp của Chi cục Thống kê các huyện, thành phố để họ có phương pháp và kỹ năng phân tích dự báo.  

Bốn là, tăng cường hội thảo theo vùng hoặc cụm để giao lưu, trao đổi bổ trợ thông tin và kiến thức cho cán bộ thống kê phục vụ cho công tác phân tích và dự báo.

Tóm lại, trước yêu cầu hội nhập và sự đa dạng biến động của các hiện tượng kinh tế xã hội thì việc phân tích và dự báo thống kê trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện kĩ năng và kinh nghiệm cho cán bộ ở vị trí việc làm phân tích dự báo thống kê là công việc cần thiết góp phần quan trọng trong sự nghiệp hiện đại hóa ngành Thống kê./.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập