Phiếu số 1/DN-MAU: Phiếu thu thập thông tin năm 2021 đối với DN điều tra mẫu

Đối tượng áp dụng: Áp dụng đối với doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra.

 

PHẦN A. THÔNG TIN CHUNG CỦA DOANH NGHIỆP

Đơn vị kê khai thông tin: Doanh nghiệp kê khai toàn bộ thông tin chung của doanh nghiệp tại phần A.

 

A1. THÔNG TIN ĐỊNH DANH

 

A1.1. Tên doanh nghiệp: Ghi tên chính thức của doanh nghiệp bằng chữ in hoa theo quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

 

A1.2. Địa chỉ doanh nghiệp: Ghi địa chỉ trụ sở giao dịch chính của doanh nghiệp. Ghi đầy đủ, không viết tắt các thông tin theo yêu cầu vào các dòng tương ứng trong phiếu điều tra.

 

A1.3, A1.4. Số điện thoại, địa chỉ email: Trường hợp doanh nghiệp có nhiều số điện thoại, địa chỉ email thì ghi số điện thoại, địa chỉ email của bộ phận chịu trách nhiệm chính thực hiện phiếu điều tra hoặc bộ phận hành chính của doanh nghiệp.

 

A1.5. Loại hình doanh nghiệp: Chọn 01 lựa chọn phù hợp nhất với doanh nghiệp và điền số liệu.

 

A1.5.1. Khu vực nào có quyền quyết định việc phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của doanh nghiệp: Chỉ hỏi câu A1.5.1 trong trường hợp DN có tỉ lệ vốn điều lệ bằng nhau ở cả ba khu vực [Nhà nước (Trung ương + Địa phương) = Ngoài nhà nước = FDI] hoặc hai khu vực bằng nhau và cùng chiếm tỉ trọng cao nhất.

 

A1.6. Tính chất hoạt động của doanh nghiệp: Doanh nghiệp trả lời các câu hỏi, chọn “Có” hoặc “Không”. Doanh nghiệp trả lời “có” khi mục tiêu hoạt động chính của doanh nghiệp không phải là hướng đến lợi nhuận. Ví dụ về doanh nghiệp có thể hoạt động không vì mục tiêu lợi nhận: Doanh nghiệp hoạt động công ích, công viên cây xanh; doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt…

 

A1.7. Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp:

 

1. Doanh nghiệp đang hoạt động: Là doanh nghiệp trong năm 2021 có phát sinh doanh thu hoặc chi phí và có phát sinh VAT.

 

2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động: Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để đầu tư, đổi mới công nghệ, sửa chữa, bảo trì máy móc nhà xưởng... Quy ước doanh nghiệp không tạm dừng hoạt động quá 2 năm.

 

3. Doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể: Doanh nghiệp ngừng hẳn các hoạt động SXKD để chờ làm các thủ tục với cơ quan nhà nước để giải thể doanh nghiệp.

 

4. Doanh nghiệp giải thể, phá sản: Doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể doanh nghiệp

 

5. Không có doanh thu, không có chi phí SXKD: Doanh nghiệp năm 2021 đang hoạt động nhưng không phát sinh doanh thu, không phát sinh chi phí sản xuất kinh doanh và không phát sinh thuế VAT. 

 

A2. NGÀNH HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP NĂM 2021

 

A2.1. Hoạt động chính của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào: Hoạt động chính của doanh nghiệp là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất. Nếu không xác định được giá trị sản xuất thì căn cứ vào ngành sử dụng nhiều lao động nhất. 

Lĩnh vực hoạt động thương mại bao gồm: hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

 

A2.2. Mô tả ngành hoạt động thương mại của doanh nghiệp: Doanh nghiệp mô tả chi tiết ngành SXKD thương mại của doanh nghiệp.

 

A2.3. Mô tả sản phẩm vật chất và dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất ra: Doanh nghiệp mô tả nhóm sản phẩm về vật chất và dịch vụ đã sản xuất ra và

 

A3. THÔNG TIN VỀ LAO ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

 

A3.1. Lao động có tại thời điểm 01/01/2021: Ghi tổng số lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được doanh nghiệp trực tiếp quản lý và sử dụng bao gồm lao động được trả công trả lương và lao động không được trả công trả lương (kể cả chủ doanh nghiệp tư nhân) tại thời điểm 01/01/2021.

 

A3.2. Lao động có tại thời điểm 31/12/2021: Ghi tổng số lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được doanh nghiệp trực tiếp quản lý và sử dụng tại thời điểm 31/12/2021. Trong đó ghi riêng số lao động là nữ, lao động được trả công trả lương, lao động không được trả công trả lương (kể cả chủ doanh nghiệp tư nhân) và lao động được đóng BHXH. 

 

A3.3. Lao động trả lương các tháng trong năm 2021: Ghi tổng số lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng và trả lương, được theo dõi trong sổ lương hàng tháng, bao gồm số lao động giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và số lao động đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, cán bộ quản lý và cán bộ của các tổ chức đoàn thể, … Trong đó ghi riêng số lao động là nữ.

 

A3.4. Các khoản chi liên quan đến người lao động năm 2021: Là tổng số tiền phải trả người lao động (Có TK 334), tổng số tiền chi cho người lao động từ quỹ khen thưởng, phúc lợi (Nợ TK 353), đóng góp kinh phí công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

Tổng số tiền phải trả người lao động phát sinh trong năm:

Tham khảo Có TK 334

Là tổng các khoản mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:

- Lương, phụ cấp theo quy định;

- Thưởng có tính chất như lương;

- Lương nghỉ phép;

- Tiền ăn ca, tiền nhà, tiền điện thoại, học phí, thẻ hội viên;

- Các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động (trừ khoản bảo hiểm xã hội: ốm đau, tai nạn, thai sản,...).

Lưu ý:

- Tổng số tiền phải trả cho người lao động gồm tổng số tiền phát sinh của doanh nghiệp phải thanh toán cho người lao động tại đơn vị trong năm 2021, cho dù khoản đó đã được thanh toán hay còn nợ người lao động.

- Tổng số tiền phải trả cho người lao động bao gồm cả các khoản trả lương, thưởng, phụ cấp hoặc các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động bằng hiện vật như sản phẩm, hàng hóa,...

- Trong trường hợp không tính được tổng thu nhập của giám đốc doanh nghiệp thì căn cứ vào số tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế, kinh phí công đoàn của giám đốc doanh nghiệp để ước tính ra tổng thu nhập.

Tổng số tiền chi cho người lao động từ quỹ khen thưởng, phúc lợi: Trợ cấp khó khăn, chi công nhân viên đi nghỉ mát (tham khảo Nợ TK 353)

Đóng góp kinh phí công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp:

Là những khoản mà doanh nghiệp nộp cho hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động. Đây là số phát sinh phải nộp trong năm 2021, cho dù các khoản đó đã nộp hay còn nợ các cơ quan bảo hiểm và tổ chức công đoàn.

Đóng góp kinh phí công đoàn, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của trụ sở chính/chi nhánh/văn phòng đại diện bao gồm tổng hai khoản tính vào chi phí sản xuất kinh doanh và tính trừ vào lương người lao động.

Doanh nghiệp có thể tham chiếu bên Có TK 338 - Phải trả phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386) với các nội dung tương ứng bên Nợ TK 622, 623, 627, 641, 642 (khoản tính vào chi phí sản xuất kinh doanh); Nợ TK 334 (khoản tính trừ vào lương người lao động).

 

A4. THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG NĂM 2021

 

 A4.1. Tài sản đầu kỳ - cuối kỳ:

Hàng tồn kho: Là toàn bộ giá trị hiện có các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình SXKD của doanh nghiệp (sau khi trừ đi dự phòng giảm giá hàng tồn kho). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Hàng tồn kho” là tổng số dư Nợ của các Tài khoản 151 “Hàng mua đang đi trên đường”, Tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”, Tài khoản 153 “Công cụ, dụng cụ”, Tài khoản 154 “Chi phí SXKD dở dang”, Tài khoản 155 “Thành phẩm”, Tài khoản 156 “Hàng hoá”, Tài khoản 157 “Hàng gửi đi bán” và Tài khoản 158 “Hàng hoá kho bảo thuế”.

Hàng tồn kho ghi hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2021 và thời điểm 01/01/2021.

Trong hàng tồn kho, tách riêng: chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, thành phẩm, hàng gửi bán.

 

A4.2. Tài sản cố định của doanh nghiệp: Ghi tài sản cố định (TSCĐ) của doanh nghiệp chia theo từng loại tài sản tại thời điểm 31/12/2021 và thời điểm 01/01/2021.

 

Nguyên giá TSCĐ (còn gọi là giá trị ghi sổ ban đầu): Là toàn bộ các chi phí bình thường và hợp lý mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản đó và đưa TSCĐ đó vào vị trí sẵn sàng sử dụng. Nguyên giá TSCĐ được chia theo nguồn hình thành (mua trong năm; đầu tư xây dựng cơ bản hình thành và tăng khác) và chia theo loại TSCĐ (nhà, vật kiến trúc; máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải, truyền dẫn; TSCĐ khác).

Doanh nghiệp căn cứ vào sổ chi tiết TSCĐ, tổng số dư đầu kỳ và cuối kỳ bên Nợ các TK 211, 212, 213 để ghi nguyên giá TSCĐ hiện có ở doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2021 và 01/01/2021.

 

 Giá trị hao mòn lũy kế: Là giá trị hao mòn TSCĐ cộng dồn đến thời điểm 31/12/2021 và 01/01/2021.

Căn cứ để ghi số liệu là số dư Có TK 214 (2141; 2142; 2143).

Xây dựng cơ bản dở dang: Bao gồm chi phí dự án đầu tư xây dựng và sửa chữa TSCĐ dở dang; giá trị công trình xây dựng và sửa chữa lớn TSCĐ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng hoặc quyết toán chưa được duyệt, giá trị bất động sản đầu tư đang đầu tư xây dựng dở dang.

Căn cứ vào số dư đầu kỳ và cuối kỳ TK 241 - Chi phí XDCB dở dang để ghi số liệu.

 

A5. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP TRONG NĂM 2021

 

A5.1. Tổng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ

Tổng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ = Tổng doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ - Các khoản giảm trừ doanh thu

 

A5.1.1. Doanh nghiệp có cung cấp sản phẩm kỹ thuật số

- Sách, báo, truyện điện tử (e-book): là những sách, báo, truyện được chuyển đổi sang định dạng kỹ thuật số để sử dụng trên các thiết bị điện tử mà không phải là những sách, báo, truyện định dạng vật lý.

- Phim ảnh, nhạc và video điện tử: là những phim ảnh, nhạc và video được chuyển đổi sang định dạng kỹ thuật số để sử dụng trên các thiết bị điện tử.

- Dịch vụ quảng cáo trực tuyến: là những dịch vụ quảng cáo thông qua mạng internet và các thiết bị điện tử.

- Dịch vụ nghệ thuật và giải trí trực tuyến: là những chương trình, buổi biểu diễn, game show.... thông qua mạng internet và các thiết bị điện tử.

- Dịch vụ ngân hàng trực tuyến: là những dịch vụ được giao dịch, hỗ trợ thông qua mạng internet như: thanh toán, chuyển khoản/chuyển tiền 24/7, cho vay, gửi tiết kiệm, nộp tiền vào tài khoản, quản lý tài khoản, tính năng liên quan đến thẻ, tham gia các sản phẩm đầu tư, phát hành chi phiếu điện tử và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến khác.

- Dịch vụ giáo dục trực tuyến (e-learning): là phương thức học ảo thông qua một thiết bị nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho học sinh học trực tuyến từ xa.

- Dịch vụ y tế trực tuyến: là những dịch vụ tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa qua mạng internet và các thiết bị viễn thông.

- Dịch vụ bảo hiểm trực tuyến: là những dịch vụ bảo hiểm được phát hành và sử dụng qua mạng internet (người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm không cần gặp trực tiếp để bán và giải quyết bồi thường sự kiện bảo hiểm).

 

A5.1.2 Ngoài các sản phẩm kỹ thuật số ở trên, Doanh nghiệp có bán sản phẩm nào khác qua hình thức trực tuyến như Website của Doanh nghiệp, Ứng dụng trên điện thoại (mobile app), Mạng xã hội (Facbook, Zalo...), Sàn giao dịch thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Alibaba, Sendo, Vatgia, Chotot, Amazon….) không?

Các sản phẩm được doanh nghiệp bán, cung cấp qua các hình thức trực tuyến (Webside của doanh nghiệp; Ứng dụng trên điện thoại; Mạng xã hội; Sàn giao dịch thương mại điện tử) như quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, hoặc các sản phẩm của doanh nghiệp được đặt hàng trực tuyến như dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú....

 

A5.2. Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ chia theo ngành hoạt động

Ghi doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ áp dụng từ các ngành. Riềng hoạt động ngân hàng ghi thu nhập từ hoạt động tín dụng (Tài khoản 70). 

Cột 2: Thương mại điện tử  là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính, thiết bị thông minh.

Trường hợp Doanh nghiệp bán sản phẩm A vừa có định dạng kỹ thuật số, vừa không có định dạng kỹ thuật số nhưng được bán qua hình thức trực tuyến thì Doanh thu của cột 2 là tổng doanh thu của sản phẩm A ở định dạng kỹ thuật số và không có định dạng số nhưng được bán qua hình thức trực tuyến.

Ví dụ: Doanh nghiệp A cung cấp dịch vụ giáo dục:

(1) Doanh thu từ dịch vụ giáo dục Trực tuyến: 100 triệu

(2) Doanh thu từ dịch vụ giáo dục trực tiếp được đặt mua qua hình thức trực tuyến (Website của DN, Ứng dụng trên điện thoại (mobile app), Mạng XH Facbook, Zalo, Gian hàng trên các sàn giao dịch TMĐT): 20 triệu

(3) Doanh thu từ dịch vụ giáo dục trực tiếp không được đặt mua qua hình thức trực tuyến: 40 triệu

Doanh thu bán sản phẩm kỹ thuật số/ Doanh thu bán sản phẩm qua hình thức trực tuyến của Doanh nghiệp A: (1) + (3) hay bằng 100 + 20 = 120 triệu

 

A5.3. Trong năm 2021, doanh nghiệp có đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm TSCĐ, nâng cấp, sửa chữa lớn TSCĐ (bao gồm cả TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình) phục vụ hoạt động SX

Vốn đầu tư của doanh nghiệp là số vốn mà thực tế doanh nghiệp chi ra để tăng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm:

- Đầu tư xây dựng cơ bản (xây dựng trụ sở làm việc, xây dựng nhà xưởng sản xuất, kho tàng,…): Là toàn bộ vốn bỏ ra để cho việc khảo sát quy hoạch xây dựng công trình, chuẩn bị đầu tư, thiết kế; chi xây dựng, mua sắm và lắp đặt thiết bị; các chi khác được ghi trong tổng dự toán (bao gồm cả tiền chuyển quyền sử dụng đất). Giá trị này là số phát sinh bên Nợ của tài khoản 2412 (xây dựng cơ bản);

- Mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản: Là toàn bộ vốn bỏ ra để bổ sung thêm TSCĐ trong kỳ và không liên quan đến hoạt động xây dựng cơ bản, bao gồm cả TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình và TSCĐ thuê tài chính, không tính giá trị mua TSCĐ là nhà cửa, vật kiến trúc. Mục này khai thác từ TK 211, 212, 213, 2411;

- Sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định: Là toàn bộ chi phí thực tế phát sinh trong kỳ cho công việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng TSCĐ của doanh nghiệp (gồm chi phí phải thanh toán cho bên ngoài và chi phí cho phần doanh nghiệp tự làm). Giá trị này là số phát sinh bên Nợ của tài khoản 2413 (sửa chữa lớn TSCĐ).

 

A5.4. Trong năm 2021, doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ

 Doanh nghiệp lựa chọn “Có” hoặc “Không”. Nếu “Có” trả lời tiếp về Tổng số tiền chi cho hoạt động đổi mới công nghệ trong năm 2021 của doanh nghiệp.

Đổi mới công nghệ là việc thay thế một phần chính hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiến tiến hơn, hiệu quả hơn. Đổi mới công nghệ có thể nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của quá trình sản xuất hoặc có thể nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường.

Đổi mới công nghệ có thể là đưa ra hoặc ứng dụng những công nghệ hoàn toàn mới chưa có trên thị trường công nghệ hoặc là thay đổi cơ bản công nghệ hiện có.

Có 5 trường hợp đổi mới công nghệ:

- Đưa ra sản phẩm mới.

- Đưa ra một phương pháp sản xuất mới hoặc thương mại mới.

- Chinh phục thị trường mới.

- Sử dụng nguồn nguyên liệu mới.

- Tổ chức mới đơn vị sản xuất.

 

A5.5. Trong năm 2021, doanh nghiệp sử dụng những loại năng lượng nào dưới đây phục vụ hoạt động SXKD

Doanh nghiệp chọn 01 hoặc nhiều loại năng lượng mà doanh nghiệp dùng cho hoạt động SXKD.

 

A5.6.  Trong năm 2021, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Doanh nghiệp chọn 01 hoặc nhiều lựa chọn (nếu có)

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ là việc doanh nghiệp có thực hiện mua/bán hàng hóa với nước ngoài hoặc doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ cho đối tác nước ngoài hoặc doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ do nước ngoài cung cấp.

 

A5.7. Trong năm 2021, doanh nghiệp có thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa trực tiếp với nước ngoài

Doanh nghiệp lựa chọn “Có” hoặc “Không”

Hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa trực tiếp với nước ngoài là việc doanh nghiệp thực hiện việc nhận nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài để gia công, lắp ráp (không phải thanh toán) và nhận phí gia công theo hợp đồng ký kết hoặc doanh nghiệp Việt Nam gửi nguyên liệu, linh kiện ra nước ngoài để thuê gia công, lắp ráp và trả phí cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng ký kết.

 

PHẦN B. THÔNG TIN CỦA TRỤ SỞ CHÍNH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

 

Đơn vị kê khai thông tin: Doanh nghiệp kê khai thông tin về hoạt động quản lý của trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp (nếu có).

 

Cách kê khai thông tin: Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện chưa có sẵn trong danh sách nền: doanh nghiệp chỉ kê khai thông tin các chi nhánh, văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021.

 

Cột 1: Mã số thuế

Ghi mã số thuế do cơ quan Thuế/cơ quan Quản lý đăng ký kinh doanh cấp.

 

Cột 2: Tên chi nhánh/văn phòng đại diện

Ghi tên chính thức của chi nhánh/văn phòng đại diện theo quyết định thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chi nhánh/văn phòng đại diện.

 

Cột 3, 4, 5, 6: Địa chỉ

Ghi địa chỉ trụ sở giao dịch chính của chi nhánh/văn phòng đại diện. Ghi đầy đủ, không viết tắt các thông tin theo yêu cầu vào các dòng tương ứng trong phiếu điều tra.

 

Cột 7: Tình trạng hoạt động

Chọn 01 tình trạng phù hợp nhất với tình hình hoạt động của chi nhánh/văn phòng đại diện trong 04 loại tình trạng sau:

1. Đang hoạt động

2. Tạm ngừng hoạt động

3. Ngừng hoạt động chờ giải thể

4. Chấm dứt hoạt động, phá sản.

5. Không có doanh thu, không có chi phí SXKD

Đối với chi nhánh/văn phòng đại diện đã có sẵn trong danh sách thuộc tình trạng “ngừng hoạt động chờ giải thể” hoặc “chấm dứt hoạt động, phá sản” thì kết thúc phần kê khai thông tin của chi nhánh/văn phòng đại diện đó và chuyển sang kê khai thông tin của chi nhánh/văn phòng đại diện tiếp theo trong danh sách.

 

Cột 8: Loại hình tổ chức

Chọn 01 loại hình tổ chức phù hợp nhất, bao gồm: chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.

 

Cột 9: Có trực tiếp SXKD

- Trụ sở chính của DN có trực tiếp SXKD khi tại trụ sở chính diễn ra hoạt động sản xuất hoặc hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ ngoài hoạt động quản lý.

- Chi nhánh không trực tiếp SXKD trong các trường hợp:

+ Chi nhánh/VPĐD bán các sản phẩm nông nghiệp do doanh nghiệp sản xuất và không thực hiện hoạt động mua sản phẩm khác về bán

+ Chi nhánh/VPĐD bán các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp sản xuất và không thực hiện mua bán các sản phẩm khác (cửa hang giới thiệu sản phẩm)

+ Văn phòng giao dịch bán nhà, căn hộ do chính doanh nghiệp xây dựng.

Đối với trụ sở chính:

Nếu trụ sở chính không trực tiếp SXKD: dừng kê khai thông tin về trụ sở chính và tiếp tục kê khai thông tin của chi nhánh/văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp;

Nếu trụ sở chính có trực tiếp sản xuất kinh doanh: tiếp tục kê khai thông tin về hoạt động SXKD của trụ sở chính tại phần B2 của phụ biểu phiếu số 1/DN-MAU.

Đối với chi nhánh/văn phòng đại diện:

Nếu chi nhánh/văn phòng đại diện không trực tiếp SXKD: dừng kê khai thông tin về chi nhánh/văn phòng đại diện đang kê khai và chuyển sang kê khai chi nhánh/văn phòng đại diện tiếp theo cho đến khi hết chi nhánh/văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp;

Doanh nghiệp có chi nhánh/Văn phòng đại diện chưa được liệt kê ở trên

Doanh nghiệp lựa chọn “Có” hoặc “Không”. Nếu “Có” thì bổ sung thêm.

 

MỤC B2

Ghi cụ thể nhóm sản phẩm/nhóm dịch vụ/ngành hoạt động thương mại do doanh nghiệp/chi nhánh thực hiện trong năm 2021.

Cột B: Mã sản phẩm

Chọn mã ngành tương ứng cho từng hoạt động đã mô tả theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (ISIC) đối với hoạt động thương mại. 

Chọn mã sản phẩm tương ứng cho từng loại sản phẩm đã mô tả theo hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (VCPA). 

Cột C: Đơn vị tính

Là đơn vị tính sản lượng sản phẩm theo ngành sản phẩm cấp 7 đối với sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đơn vị tính đồng đối với các hoạt động còn lại.

Trong một số trường hợp, sản lượng sản phẩm theo ngành cấp 7 sẽ không có đơn vị tính (ví dụ: Sản phẩm hoa các loại còn lại hoặc sản phẩm dịch vụ nông nghiệp (làm đất…)). Trong trường hợp này đơn vị tính của sản phẩm nông nghiệp là đồng.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập