Củng cố chất lượng thu thập, xử lý thông tin thống kê trên địa bàn tỉnh Lào Cai

           Thực hiện Quyết định 229/QĐ-TCTK ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Tổng cục Thống kê về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thống kê tỉnh Lào Cai, bên cạnh nhiệm vụ thực hiện báo cáo thống kê tình hình kinh tế xã hội theo tháng, quý, đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế xã hội của địa phương, phân tích thống kê theo chuyên đề… theo chương trình công tác của Tổng cục Thống kê thì nhiệm vụ điều tra, thu thập và xử lý thông tin thống kê cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, Cục Thống kê phải thực hiện thường xuyên hàng năm.  Do đó, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện điều tra thu thập thông tin như thế nào, chất lượng thông tin đầu vào, tổng hợp kết quả, xử lý dữ liệu đầu ra… là vấn đề vô cùng quan trọng cần được quan tâm đúng mực đối với bộ phận Thống kê tập trung tại các địa phương nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.

            Các thông tin đầu vào trước khi xử lý tổng hợp gồm có 3 nguồn thông tin cơ bản (1) điều tra thống kê (2) báo cáo thống kê định kỳ (3) báo cáo tổng hợp của các Chi cục Thống kê huyện, thành phố.  

            - Điều tra thống kê để thu thập những thông tin thống kê từ các tổ chức  không phải thực hiện chế độ báo cáo thống kê; kiểm tra hoặc bổ sung thông tin từ các tổ chức có thực hiện chế độ báo cáo thống kê; thu thập những thông tin từ hộ hoặc cơ sở kinh doanh cá thể, hộ dân cư, cá nhân; thu thập những thông tin thống kê khi có nhu cầu đột xuất. Hàng năm Cục Thống kê Lào Cai tổ chức thực hiện gần 30 cuộc điều tra (bao gồm điều tra thường xuyên và điều tra đột xuất theo quy định của Tổng cục Thống kê và yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai) với nội dung thu thập các thông tin phục vụ việc phân tích đánh giá các hiện tượng kinh tế xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương cũng như địa phương.  

            - Báo cáo thống kê định kỳ là hình thức thu thập số liệu thống kê được tiến hành thường xuyên, định kỳ theo nội dung, phương pháp cũng như hệ thống biểu mẫu thống nhất, được quy định thành chế độ báo cáo do cơ quan có thẩm quyền quyết định và áp dụng cho nhiều năm. Hàng năm Cục Thống kê Lào Cai tổng hợp thu thập và xử lý thông tin khoảng gần 200 đơn vị thực hiện báo cáo thống kê định kì thuộc các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước… trên địa bàn.

            - Báo cáo thống kê tổng hợp của Chi cục Thống kê huyện, thành phố gồm những nội dung trong nhóm chỉ tiêu thống kê cấp huyện và các thông tin tổng hợp do Cục Thống kê yêu cầu (trên cơ sở chế độ báo cáo của Tổng cục Thống kê) phục vụ việc phân tích số liệu chung toàn tỉnh.

            Trên cơ sở thông tin thu thập được từ các nguồn, cán bộ Thống kê thực hiện tổng hợp và xử lý thành sản phẩm thống kê đầu ra của địa phương phục vụ cho báo cáo đánh giá gửi Tổng cục Thống kê cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh.  Có thể nói trong những năm qua việc thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin thống kê của lực lượng cán bộ công chức Cục Thống kê Lào Cai cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Trung bình hàng năm từ các kênh thông tin ban đầu Cục Thống kê xử lý phân tích và đánh giá hoàn thành khoảng trên 100 đầu báo cáo các loại gửi Tổng cục Thống kê và Ủy ban nhân dân tỉnh (chưa kể các ấn phẩm niên giám thống kê, tờ gấp…). Khối lượng thực hiện nhiều, chất lượng cũng ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu của các đối tượng dùng tin trong tình hình mới. Tuy nhiên trong quá trình tổng hợp, xử lý thông tin thống kê của cán bộ công chức Cục Thống kê Lào Cai cho thấy còn bộc lộ một số tồn tại cần được sớm khắc phục trong thời gian tới, đó là:

-          Đối với công tác thu thập thông tin điều tra

+ Thứ nhất, số lượng các cuộc điều tra do địa phương thực hiện như hiện nay khá nhiều và tập trung vào thời điểm một số tháng trong năm, trong khi lực lượng cán bộ công chức của các phòng nghiệp vụ được biên chế ít nên việc tổ chức thực hiện, kiểm soát chất lượng phiếu điều tra bị ảnh hưởng.

            + Thứ hai, đội ngũ cán bộ công chức của Cục Thống kê hiện nay chủ yếu tổ chức thực hiện điều tra được tiếp thu kinh nghiệm và chuyên môn từ những cán bộ thực hiện trước đó, chưa được đào tạo hoặc hướng dẫn một số kĩ năng cơ bản trong việc phổ biến kiến thức tập huấn, công tác quản lý, cách thức tổ chức thực hiện một cuộc điều tra nên chất lượng cũng hạn chế.

            + Thứ ba, Lào Cai là tỉnh miền núi, trình độ dân trí còn thấp, việc tuyển chọn trưng tập được điều tra viên có trình độ để tiếp thu nội dung phương án, phiếu điều tra là rất khó khăn. Xuất phát từ trình độ hạn chế nên điều tra viên chưa thể có kĩ năng tốt để phỏng vấn khai thác thông tin đảm bảo chất lượng  cho các phiếu điều tra khi bàn giao về Cục.

            - Đối với báo cáo thống kê định kì của các đơn vị

+ Hiện nay, hầu hết các đơn vị cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai thực hiện chấp hành chế độ báo cáo tương đối tốt. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ làm công tác thống kê ở cơ sở không học đúng chuyên ngành thống kê, việc tiếp thu nội dung các chỉ tiêu thống kê hoặc biểu mẫu chủ yếu do tự nghiên cứu hoặc trao đổi  qua kinh nghiệm của người làm trước nên chất lượng báo cáo không ổn định. Mặt khác số cán bộ này thường thay đổi không được bố trí ổn định làm công tác thống kê.

+ Chế độ báo cáo thống kê của các bộ ngành triển khai về các địa phương chậm, một số ngành chưa ban hành chế độ báo cáo theo hệ thống chỉ tiêu thống kê mới vì vậy việc thu thập thông tin chưa đồng bộ.  

            - Đối với báo cáo thống kê tổng hợp của Chi cục Thống kê huyện, thành phố hiện nay chủ yếu tập trung vào thu thập thông tin thô theo biểu mẫu yêu cầu của Cục Thống kê, cán bộ huyện chưa có sự đầu tư phân tích hoặc xử lý số liệu, nguyên nhân do số cán bộ công chức này chưa được đào tạo, bồi dưỡng kĩ năng xử lý, tổng hợp vì vậy chất lượng kênh báo cáo này vẫn còn có sự sai số đáng kể.

            - Đối với vị trí việc làm tổng hợp, xử lý thông tin của Cục Thống kê hiện nay đã đáp ứng được về số lượng và chất lượng sản phẩm cũng ngày càng được nâng lên, tuy nhiên các kĩ năng tổng hợp, xử lý kết quả còn thiếu tính chuyên nghiệp chủ yếu do kinh nghiệm tích lũy. Từ đó vị trí việc làm tổng hợp và xử lí số liệu tại các địa phương hiện nay không đồng đều. Một số cán bộ học đúng chuyên ngành thống kê, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì tổng hợp, xử lý nhanh, số còn lại do mới tuyển dụng hoặc học trái ngành nên việc tổng hợp, xử lý lúng túng và chất lượng chưa cao.   

            Trước yêu cầu hội nhập để nâng cao chất lượng sản phẩm thống kê đạt tiêu chuẩn theo quy định trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

            Một là, trước mắt tập trung triển khai thực hiện áp dụng đồng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê từ trung ương đến cơ sở. Các chế độ báo cáo, biểu mẫu giải thích được thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống thống kê trên phạm vi cả nước (bao gồm hệ thống Thống kê tập trung, Thống kê bộ ngành và Thống kê cơ sở).

Hai là, tập trung đào tạo các kĩ năng tổng hợp, xử lý số liệu thống kê cho các vị trí việc làm của cán bộ thống kê các địa phương, bên cạnh đó đào tạo kĩ năng thực hành trên máy tính để bổ trợ cho công tác tổng hợp xử lý số liệu.   

Ba là, tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm về xử lý tổng hợp số liệu, kinh nghiệm tổ chức thực hiện các cuộc điều tra thống kê cho các vị trí việc làm tương ứng.

Bốn là, từng bước chuẩn hóa cán bộ công chức thống kê theo vị trí việc làm ổn định để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng các kĩ năng phù hợp với từng công việc đảm bảo tính chuyên sâu và chuyên môn hóa các công việc. Có như thế mới tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao.

Tóm lại, công tác xử lý và tổng hợp thông tin thống kê là một khâu quan trọng trong việc hoàn thành sản phẩm. Tập trung đầu tư nâng cao kĩ năng cho vị trí việc làm đó sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường chất lượng số liệu thống kê trong thời gian tới./.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập